TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 13/5: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ 03 NỘI DUNG VÀ BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23

13/05/2023

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 13/5/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về 3 nội dung: Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng; việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và bế mạc Phiên họp.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÔNG DÂN THỰC HIỆN XUẤT NHẬP CẢNH, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 12/5: PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 23 ngày 13/5/2023

Theo đó, ngay sau khi kết thúc việc cho ý kiến về 03 nội dung (1) Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng; (2) Việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; (3) việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 23.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung cho ý kiến: (1) Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng; (2) Việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XV.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung Phiên họp:

8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng.

Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng.

8h01: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình

Tóm tắt Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày đã nêu mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Quan điểm xây dựng Nghị quyết bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Bám sát định hướng của Quốc hội nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Về nội dung của dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành quy định 02 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra - số thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).

Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT năm 2022. Việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế. Do vậy, năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế GTGT dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng. 

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Đánh giá về tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. 

Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Về tác động đến các cam kết quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, qua rà soát về các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các nội dung chính sách được đề xuất tại dự án Nghị quyết đều đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và không trái với các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.

8h16: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ Quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023. 

Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT là đúng thẩm quyền theo quy định.

Thường trực Ủy ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật về cơ bản  nhất trí bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đồng thời, để việc giảm thuế GTGT có thể kịp thời đi vào thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, Thường trực Uỷ ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ về cơ sở pháp lý của việc thực hiện quy trình rút gọn, đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung giải trình rõ lý do đề nghị xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn trong hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, thời hạn Chính phủ gửi hồ sơ dự án Nghị quyết và đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, chưa tuân thủ quy định tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội, ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ và gây bị động cho các cơ quan trong quá trình thẩm tra.

Ngoài ra, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Chính phủ còn tương đối sơ sài, hoàn toàn thiếu các đánh giá tác động về kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh như mục tiêu đặt ra. Vì vậy, đề nghị Chính phủ hoàn hoàn thiện hơn nữa Báo cáo đánh giá tác động.

Với quan điểm không mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị quyết so với năm 2022, Thường trực Uỷ ban TCNS đề nghị nội dung giảm thuế GTGT của dự thảo Nghị quyết về cơ bản lấy theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Về hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết, do các văn bản hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế đã được quy định đầy đủ khi triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 năm 2022, Thường trực Uỷ ban TCNS đề nghị trong nội dung dự thảo Nghị quyết sẽ giao Chính phủ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi NSNN năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị UBTVQH trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo hướng tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT như đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Thời hạn áp dụng từ thời điểm Nghị quyết được thông qua cho đến hết 31/12/2023.

8h30: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về sự cần thiết ban hành chính sách, căn cứ pháp lý, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tác động chính sách và nguồn lực thực hiện, hiệu lực thi hành cùng một số vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

8h32: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến

Cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc đề xuất tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế GTGT; việc đề xuất giảm thuế được này  từ 10% xuống còn 8% là cần thiết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, từ đầu năm 2023, các nhóm hàng hóa đã áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT. Việc đề xuất giảm thuế GTGT vào thời điểm tháng 5/2023 là tương đối muộn, làm cho giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không thật sự phát huy tác dụng đối với khu vực doanh nghiệp. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn tác động chính sách giảm thuế đến kích thích tiêu dùng như thế nào; đồng thời tác động của chính sách đến giảm thu NSNN, để đại biểu Quốc hội có thêm thông tin.

Thời gian tới, doanh nghiêp tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên việc tiếp tục thực hiện chính sách này là rất cần thiết. Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10%, nhưng việc đánh giá tác động chính sách của Chính phủ còn định tính nên cơ quan thẩm tra và đại biểu không đủ thông tin. Nếu làm rõ việc giảm thuế sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tác động lan tỏa các lĩnh vực khác thì có thể mở rộng giảm thuế đối với tất cả các mặt hàng.

8h37: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS), đồng ý chủ trương giảm thuế VAT 2% để phục hồi phát triển kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên để có căn cứ thuyết phục cao hơn đối với đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nội dung mà UBTCNS nêu trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị cần được làm rõ hơn cho chặt chẽ.

Hiện nay, trong năm 2023, cùng với gói hỗ trợ mà Quốc hội, Chính phủ đã và đang ban hành, chúng ta sẽ tính toán có khoảng 190 nghìn tỷ đồng hỗ trợ, trong đó gia hạn 110 nghìn tỷ đồng, miễn giảm 80 nghìn tỷ đồng, chưa kể một số chính sách mà Chính phủ đang tiến hành liên quan đến thuế nhập nhẩu, xuất khẩu. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng chính sách như vậy nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế.

Về các nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội cơ bản tán thành nội dung dự thảo Nghị quyết so với Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì dự thảo Nghị quyết mở rộng đối tượng hỗ trợ theo hướng giảm 2% cho hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10%, không loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khoáng sản, không kể khai thác than (than cấp, dầu mỏ tinh chế), sản phẩm hóa chất và sản phẩm hàng hóa và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây cũng là những lĩnh vực khó khăn, cầnkích cầu tiêu dùng nên không loại trừ. Bên cạnh đó, đề nghị báo cáo thêm về sự cần thiết giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất VAT 5%.

8h39: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, về trình tự thủ tục khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cần thực hiện theo Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều 58 của Nội quy Kỳ họp mới được ban hành cũng đã cụ thể hóa quy định này. 

Theo đó, đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp theo trình tự, thủ tục rút gọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đồng thời với việc quyết định bổ sung dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

8h41: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chậm gửi hồ sơ, tài liệu trình

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc trình chậm hồ sơ tài liệu khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị động trong việc chuẩn bị. Đến nay dự kiến nội dung chương trình kỳ họp Quốc hội không có nội dung.

Phân tích quy trình để xem xét các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đòi hỏi nhiều bước chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu chậm gửi hồ sơ thì các cơ quan của Quốc hội không có đủ thời gian để nghiên cứu thẩm tra. Mặt khác, giảm thuế là chủ trương lớn phải có đánh giá tác động, báo cáo cấp có thẩm quyền, quy trình đòi hỏi nhiều thời gian. Do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục chấn chỉnh rút kinh nghiệm về vấn đề này, siết chặt kỉ luật kỉ cương. 

Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023. Nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện như nào đó để khả thi vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đấy để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan xem xét đưa nội dung này bố trí thảo luận cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận tổ, thảo luận hội trường và đưa vào quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp bảo đảm đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

8h51: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu, làm rõ ý kiến thảo luận tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội và sẽ thực hiện theo ý kiến của Thường vụ Quốc hội để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Bày tỏ băn khoăn về việc hụt thu ngân sách Quý I, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tổng cầu tác động đến các doanh nghiệp khiến nguồn thu ngân sách bị hụt giảm. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng để góp phần kích cầu nền kinh tế.

8h54: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan trình rút kinh nghiệm trong việc gửi chậm tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bổ sung cụ thể hơn việc tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng năm 2022, bổ sung các dẫn chứng, số liệu cụ thể, đánh giá cụ thể hơn tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng với nền kinh tế, thuyết minh thuyết phục hơn cho đề nghị giảm thuế...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện các công tác cần thiết để bổ sung nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

9h00 : Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tham dự nội dung phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện Bộ Tư pháp, đại diện Kiểm toán Nhà nước, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam...

Trước khi bước vào thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

9h02: Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn trình bày tờ trình

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank. Triển khai của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước trong Quý I năm 2022.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn, là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông” và triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.

Do đó việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh; tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm; góp phần tăng trưởng tín dụng của Agribank và tăng nộp ngân sách Nhà nước.

Để Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường trong hoạt động tín dụng lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô. Đồng thời, để đáp ứng các tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Agribank cần phải bổ mức vốn tự có là 46.798 tỷ đồng. 

Theo đó, căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật 69/2014/QH13 và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15. Phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

09h14: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 171/TTr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ. 

Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần giúp Ngân hàng này bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước; củng cố mức tín nhiệm do các tổ chức tín nhiệm quốc tế xếp hạng; được tăng thêm vốn điều lệ thì Agribank mới có khả năng mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”.

Về hồ sơ đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hồ sơ kèm theo Tờ trình số 171 chưa có dự thảo Nghị quyết và báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước về nội dung này, do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung hồ sơ theo quy định.

Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, cập nhật số liệu, nâng cao chất lượng Tờ trình và chuẩn hóa thể thức các tài liệu kèm theo.

Về cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank theo Tờ trình số 171 là phù hợp với chủ trương của Quốc hội. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước, Luật 69/2014/QH13 và Luật Đầu tư công. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ rà soát kỹ quy định của các luật này, bảo đảm đúng quy định trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Về mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng nhằm giúp Ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định và cho rằng theo quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank không thuộc đối tượng đầu tư công nên không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư công để bố trí tăng vốn . 

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của đề xuất trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu NSNN, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng; xác định nguồn cụ thể bố trí còn lại của NSNN (10.347 tỷ đồng); bố trí phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến; khả năng phát hành thành công trái phiếu; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank (17.100 tỷ đồng), cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.

Cho rằng Tờ trình số 171 chưa đề xuất hình thức văn bản Quốc hội quyết định chủ trương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết hoặc đề xuất cụ thể tại Tờ trình nội dung cụ thể đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội.

9h23: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, hình thức văn bản, quy trình thủ tục thực hiện cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

9h26: Nghỉ giải lao (15 phút)

 

9h41: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ trách nhiệm trong chậm trình nội dung bổ sung vốn cho Agribank

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã có từ khóa 14. Riêng trong giai đoạn 2021-2023, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có quy định, sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để thực hiện Nghị quyết số 43 trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước trong Quý 1/2022. Nhưng đến nay đã sang Quý 2/2023 mới trình.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việc chậm trễ này là trách nhiệm của ai, vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính, trách nhiệm công vụ? 

Chủ tịch Quốc hội cho biết một số nội dung còn chưa rõ theo đó đây là  trình để Quốc hội quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay là chủ trương đầu tư vốn điều lệ. 

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư; còn quyết định đầu tư là của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để có báo cáo làm rõ và thể hiện rõ trong dự thảo nghị quyết.

Mặt khác, tổng số dự kiến bổ sung vốn hơn 17.000 tỷ động nhưng chỉ bố trí từ ngân sách nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển từ xuất cấp. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề việc trình Quốc hội quyết định một số tiền mà chưa có trong dự toán liệu có đúng thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan làm rõ theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, cũng như các vấn đề liên quan đến việc hạch toán, kế toán…Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trình ban hành nghị quyết nhưng hồ sơ trình lại không có dự thảo nghị quyết, gây khó khăn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý thảo luận về quy trình nếu như Quốc hội chấp thuận bổ sung vào chương trình thì việc trình, thảo luận tổ, thảo luận hội trường và quy trình ban hành nghị quyết như thế nào, ban hành nghị quyết riêng hay là xin phép Quốc hội cho đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp, có cần có văn bản có ý kiến của Kiểm toán Nhà nước hay không?...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng theo tinh thần nếu thấy đủ điều kiện, cấp bách mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ chín, đủ rõ, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao thì đưa vào chương trình để quyết; nếu chưa đạt được yêu cầu thì chưa quyết.

9h53: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị Chính phủ làm rõ về một số số liệu liên quan đến các khoản lợi nhuận sau thuế. Bởi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng, tính chính xác về số liệu lợi nhuận ước tính cần phải nộp vào ngân sách nhà nước vẫn chưa rõ, cần được cơ quan kiểm toán nhà nước làm rõ.

9h56: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, thuế cơ sở trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết này dựa vào căn cứ khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết 43/2022/QH15. Việc bổ sung này sẽ được thực hiện dựa vào Luật Quản lý sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội quy định trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động có mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu rõ, vấn đề cần phải được quyết định chủ trương đầu tư như Chủ tịch Quốc hội đã nêu, và Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư chứ không phải quyết định đầu tư.

Theo quy định tại Luật Đầu tư công, dự án trên 1000 tỷ thì phải trình Quốc hội. Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc Chính phủ trình Quốc hội nội dung này là có cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền. 

Tham gia thẩm tra cùng Ủy ban ban Kinh tế nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, hồ sơ này đang thiếu dự thảo Nghị quyết, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trong đó nêu rõ trong Tờ trình và kèm theo dự thảo Nghị quyết để có cơ sở tiếp tục thẩm tra.

9h59: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ cơ sở pháp lý của việc tăng vốn cho Agribank

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ sở pháp lý của việc tăng vốn cho Agribank là tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội giao Chính phủ: “Chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP Chính phủ đã chỉ đạo: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Về đề xuất Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 trong đó đã bổ sung 6.753 tỷ đồng, phần còn lại (10.347 tỷ đồng) nếu Quốc hội cho phép sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

10h02: Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn giải trình

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về quy trình triển khai, phần tăng vốn theo Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội đã cho chủ trương, đã có nguồn để tăng vốn, theo quy trình thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định đầu tư. Tuy nhiên, khi tăng vốn như vậy thì phải xây dựng phương án tăng vốn cho 3 năm 2021-2023, mức tăng vốn vượt qua hạn mức nên phải trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương để Chính phủ quyết định.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hồ sơ trình đã báo cáo rõ quy trình theo quy định hiện hành, sau khi có chủ trương, Ngân hàng nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định việc tăng vốn và sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng theo các quy định của pháp luật.

 

10h07: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Làm rõ và phân định thẩm quyền quyết định theo đúng Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rõ ràng ở đây là 2 luật cần tuân thủ là Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp . Trong đó, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì dù chỉ 1 đồng thì Quốc hội cũng phải có nghị quyết để quyết định và phải có dự toán. Còn việc đầu tư bổ sung vốn cho ngân hàng hay tổ chức có vốn nhà nước thì theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ nội dung trình Quốc hội quyết định. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tổng mức vốn bổ sung cho Agribank hay chỉ quyết định phần vốn từ nguồn ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục báo cáo làm kỹ, báo cáo rõ, đề nghị Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước có thêm ý kiến

10h10: Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, Agribank đang rất khát vốn, đang ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đề nghị tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tăng trưởng để đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

10h18: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, đối với việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank, đây là đối tượng quy định của Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó điều 14 quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Vì vậy, cần thực hiện quy trình thủ tục theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

10h24: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Phát biểu ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là có cơ sở pháp lý theo Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43/2022/QH15  của Quốc hội... 

Liên quan đến phần vốn xin điều chỉnh bổ sung, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Chính phủ cũng đã giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc gửi hồ sơ, tài liệu liên quan và tính chính xác về nội dung cũng như các số liệu đề cập. 

Hiện hồ sơ tài liệu chuẩn bị còn thiếu Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cần xem xét và bổ sung cho đầy đủ.

10h26: Đại diện Kiểm toán Nhà nước phát biểu

Báo cáo tại phiên họp, Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phù hợp với chủ trương trong Nghị quyết 43, đây là việc cần thiết nhưng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các lần bổ sung vốn trước để làm rõ nguốn vốn bổ sung, phương án phân bổ đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Đồng thời Ngân hàng nhà nước cần rà soát, đảm bảo việc bổ sung nguồn vốn cho Agribank cần đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

10h28: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Về quy trình, hồ sơ trình, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong báo cáo thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra chính thức. Trong đó, làm rõ chủ trương đầu tư, làm rõ căn cứ số tiền đề nghị tăng vốn, phương án tăng vốn điều lệ cụ thể để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.

10h32: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank, tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai công việc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh kỹ càng, thuyết phục hơn, đánh giá kỹ tác động đến cân đối ngân sách, cân đối nguồn thu, tháo gỡ các vướng mắc để tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng Agribank. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu để đưa nội dung này vào Kỳ họp, đưa nội dung vào Nghị quyết Kỳ họp, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra để trình Quốc hội nội dung này tại Kỳ họp tới.

10h36: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp theo chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, UBND Tp.Hà Nội cùng một số cơ quan hữu quan. 

Tiếp đến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường sẽ báo cáo công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

10h38: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; gửi văn bản đề nghị các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ tài liệu của Kỳ họp thứ 5 để gửi đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định. 

Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến góp ý của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội; các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Chính phủ cũng tiếp tục đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với các nội dung Chính phủ gửi tài liệu sát phiên họp thứ 23, các cơ quan của Quốc hội chưa kịp thẩm tra, nên chưa kịp đưa vào chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chưa thể đưa vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, căn cứ tình hình thực tế, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường dự kiến tiếp thu, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp. Trong đó tăng thời gian trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể là tăng từ 20 phút lên 25 phút; bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội 03 nội dung về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội...

Bên cạnh đó, đề nghị giữ thủ tục trình bày tờ trình, báo cáo để bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; bố trí kỳ họp thành 02 đợt với dự kiến tổng thời gian làm việc là 22 ngày theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến phần lớn các nội dung của kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối và phục vụ tốt nhất cho kỳ họp. Đến nay, công tác phục vụ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh,… đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

10h58: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung thảo luận

Căn cứ chương trình dự kiến và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, diễn biến chuẩn bị các nội dung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị dự kiến nội dung chương trình, chương trình chi tiết, cách bố trí chương trình, các đợt họp, các nội dung cụ thể; đề nghị cho ý kiến về danh mục các văn bản báo cáo của các cơ quan gửi Quốc hội.

Đồng thời đề nghị cho ý kiến về các công việc cần tiếp tục triển khai của các cơ quan của Quốc hội và cơ quan tổ chức hữu quan từ nay đến trước thềm khai mạc kỳ họp và các nội dung bảo đảm khác từ công tác hậu cần, lễ tân, an ninh an toàn…

11h02: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu

Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới bày tỏ đồng tình với báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Tổng Thư ký Quốc hội trình bày. Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh bày tỏ băn khoăn. trong ngày 27/5, theo chương trình dự thảo, sáng Quốc hội thảo luận về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân, chiều thảo luận tổ về 2 dự án Luật này thì thời gian có gần quá không?

Về hồ sơ trong lĩnh vực phụ trách, Chủ nhiêm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về lĩnh vực quốc phòng an ninh, hiện Ủy ban đã nhận hồ sơ đầy đủ của Chính phủ và đủ điều kiện để trình Quốc hội.

11h10: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, báo cáo chuẩn bị Kỳ họp có nhắc tới luật về lực lượng bảo vê trật tự ở cơ sở, luật giao thông… nếu được đồng ý bổ sung vào chương trình thì sẽ bố trí để Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa thành bố trí để Quốc hội thảo luận.

Về việc thực hiện quy trình thủ tục đọc báo cáo tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Văn phòng Quốc hội và các cơ quan cần giám sát kỹ việc chuẩn bị tài liệu của các cơ quan, để đảm bảo đúng thời lượng trình bày báo cáo theo dự kiến chương trình. 

Đối với báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần chuẩn bị báo cáo thật kỹ lưỡng, vì đây là vấn đề lớn, đa chiều, đảm bảo các đại biểu phát biểu tập trung, đúng trọng điểm. Nhằm khắc phục vấn đề chậm gửi tài liệu của các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khẩn trương trong công tác chuẩn bị, kịp thời gửi trước và cập nhật liên tục tài liệu cho các đại biểu Quốc hội để đảm bảo thời gian nghiên cứu.

11h21: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị điều chỉnh tên báo cáo trong dự kiến chương trình kỳ họp là: Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. 

Tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, đây là lần đầu Quốc hội thảo luận về nội dung này nên Ban Dân nguyện sẽ rà soát kỹ lưỡng, trước khi gửi đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, Ban Dân nguyện cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành tiếp công dân.

11h22: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Thống nhất với báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Chính phủ đã sửa đổi tên gọi dự an theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ Quốc hội thành Dự án đường giao thông từ Quốc hội 27C đến đường tỉnh 656 kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng. 

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề xuất Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ ngành gửi hồ sơ dự án Luật đúng tiến độ theo quy định.

11h25: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, đây là Kỳ họp Quốc hội có khối lượng công việc rất lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt từ sớm, phân công các đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để hoàn thành các tài liệu, hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Các Bộ, ngành cũng đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhất trí với các nội dung bổ sung thêm vào Kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét các nội dung quan trọng về việc thí điểm kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo các công trình công sở đã xuống cấp cùng một số nội dung khác được nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền đậm nét, có trọng tâm, đúng định hướng về các hoạt động của Quốc hội trong Kỳ họp.

11h31: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu đã giải trình về việc trình “Dự thảo Nghị quyết về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có” nhưng chưa được đưa vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5; đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình Kỳ họp.

11h43: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu ý kiến thảo luận tại phiên họp

Phát biểu tiếp thu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo.

Đối với các góp ý cho rằng thời gian thảo luận về nội dung liên quan đến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 là ngắn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sẽ tính toán để bố trí phù hợp hơn, có thể sẽ chuyển sang buổi sáng để có nhiều thời gian hơn thảo luận về nội dung này. 

Bên cạnh đó, đối với việc đảm bảo kiểm soát thời gian các văn bản trình bày tại Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban để đảm bảo kiểm soát được thời gian theo đúng quy định.

11h46: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 23

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ hoàn thành 17 nội dung dự kiến mà còn giải quyết thêm 2 nội dung bổ sung. Từng nội dung đều đã có kết luật cụ thể, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội rà soát để sớm ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến nay về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, để có thẩm tra chính thức. Do đó, đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội rà soát để thẩm tra chính thức các nội dung, bảo đảm hoàn thiện hồ sơ tài liệu để gửi các đại biểu Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội rà soát và có văn bản thông báo các việc còn chậm và nêu rõ thời hạn cuối cùng để giao việc cho các cơ quan hữu qua, cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nguyên tắc là không xem xét, không đưa vào chương trình kỳ họp các nội dung quá thời hạn, không đủ điều kiện để bảo đảm kỷ luật thực hiện quy định của pháp luật. 

Đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội rà soát các nội dung phải báo cáo định kỳ để có thông báo với các cơ quan bổ sung gửi Quốc hội theo đúng quy định. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết do việc chậm gửi hồ sơ tài liệu nên đến nay Bộ Chính trị vẫn chưa thể cho ý kiến về nội dung của kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm hoàn thiện báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội ngay trong ngày để trình Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm trong việc chậm gửi tài liệu này.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về đề nghị xây dựng pháp luật cần rà soát để hoàn thiện hồ sơ, có ý kiến chính thức của Chính phủ để bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo luật định. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết trước thềm khai mạc kỳ họp, sẽ có họp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan hữu quan và thành phố Hà Nội để rà soát lại toàn bộ công tác bảo đảm cho kỳ họp và sẽ có họp báo để cung cấp thông tin về kỳ họp theo quy định của pháp luật.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác