TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/10: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

11/10/2023

8h00 sáng 11/10/2023, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp lần thứ 27. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành các nội dung phiên họp.

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 27

Theo đó, sau phát biểu Khai mạc phiên họp thứ 27, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung phiên họp:

8h00: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện các kế hoạch công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 27 nhằm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Khách mời tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành hữu quan. 

Tiếp đến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

8h02: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, độ khó cao, thời gian gấp rút. Thời gian phiên họp khoảng 5 ngày, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần các phiên họp trước để cho ý kiến vào các nội dung để bảo đảm chất lượng phiên họp là tốt nhất.

Giới thiệu chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, dự kiến trong 5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 16 nhóm nội dung quan trọng.

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với 12 nội dung mà phải chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. 

Cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về vấn đề tài chính ngân sách bao gồm: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó thì có tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và lộ trình, các phương án để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Kết quả tiếp công dân xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023. 

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, trong đó, tổng hợp cả nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Tham gia ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo quy định và thông lệ tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm thì ngay trong ngày khai mạc đầu tiên,các báo cáo trên đây sẽ được trình bày trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng để tham gia ý kiến cụ thể, làm cơ sở cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở nghiên cứu để hoàn thiện có chất lượng cao nhất và đảm bảo là phản ảnh một cách đầy đủ, khái quát, trung thực các ý kiến phản ánh và nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước về những vấn đề lớn mà phải báo cáo với Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.  Chủ tịch Quốc hội cho biết dự kiến đây là nội dung sẽ cùng thảo luận với nội dung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách để có định hướng thời gian tới tiếp tục làm công tác này như thế nào?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới. 

Cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6.

Cho ý kiến lần thứ hai đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là hết sức quan trọng, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng điều kiện để đưa vào chương trình kỳ họp và trình Quốc hội ban hành nghị quyết ngay tại kỳ họp này chưa? 

Trên cơ sở xem xét toàn diện công tác chuẩn bị và các nội dung trình Quốc hội, sau khi tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối cùng về chương trình nội dung Kỳ họp thứ 6 để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại phiên họp trù bị.

8h22: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp

Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình Phiên họp đã gửi và phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các báo cáo của Ban Dân nguyện và Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, thời gian từ nay đến 10h, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 3 báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2023.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

8h24: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 9 năm 2023; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023

Báo cáo tại Phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 9/2023, cử tri và Nhân dân quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kết quả Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhất là việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… và kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Cử tri và Nhân dân rất vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây bức xúc, hoang mang trong xã hội trong thời gian gần đây; tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi; tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng... 

Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 89,5%.

Qua giám sát, cho thấy có một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cần được các cơ quan có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: Việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của một số Đoàn ĐBQH chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; Việc giải quyết, trả lời của cử tri của một số Bộ, ngành chưa đảm bảo thời hạn; Việc xây dựng trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ ngành còn chậm...

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 9/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 8/2023. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 374 lượt với 756 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 370 vụ việc và có 19 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 8/2023, tăng 32 lượt công dân và 31 vụ việc. 

Tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tại thành phố Hà Nội thường xuyên có từ 40 – 50 công dân của 20 địa phương khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại Trung ương, hàng ngày số người này nhiều lần tập trung đông người rồi di chuyển đến trung tâm chính trị Ba Đình gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình thông tin, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 5.844 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.468 vụ việc. Qua tiếp công dân, đã ban hành 986 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội tăng tăng 23,8% so với năm 2022, các cơ quan nhận được tổng số 33.334 đơn thư của công dân chuyển đến. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc xem xét báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, các cơ quan đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và giám sát việc giải quyết đối với 122 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp để kiến nghị giải quyết dứt điểm.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng như tồn tại, hạn chế đã được nêu cụ thể tại Báo cáo đầy đủ, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội có một số tồn tại, hạn chế như: Việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH; Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn những hạn chế, tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết…

Đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, việc thực hiện một số kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; Việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương…

8h53: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu thảo luận chung về các báo cáo, trong đó đặc biệt chú ý đến báo cáo kết quả giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, sẽ được báo cáo tại Kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 chưa đạt yêu cầu đề ra, có sự sụt giảm trong tương quan so sánh với việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4, cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, tháo gỡ khúc mắc. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện những cam kết đã đưa ra, để hạn chế các trường hợp chưa thực hiện, hoặc thực hiện không trọn vẹn cam kết, đặc biệt là trong các vấn đề cụ thể như quản lý, phát triển các cụm công nghiệp, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, hệ thống xử lý dữ liệu camera trong kinh doanh vận tải.

Với báo cáo về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022, 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, số lượng khiếu kiện, đơn thư có chiều hướng tăng. Do đó, cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và hiệu quả xử lý đơn thư, khiếu kiện của cơ sở. Đồng thời, cần phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế như: các cơ quan chưa chủ động tiếp công dân, chất lượng phân loại, xử lý đơn thư chưa cao, chưa hạn chế được tình trạng gửi lòng vòng, lưu đơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những nội dung này cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.

9h05: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Dân nguyện đã giúp Quốc hội xây dựng 3 Báo cáo rất quan trọng để trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này, nhất là báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Nhìn chung, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, Báo cáo của Ban Dân nguyện chuẩn bị công phu và thống kê kết quả tổng hợp, tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị của cử tri. Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực rất lớn trong giải quyết kiến nghị của cử tri chiếm 89,5%, dù chưa đạt được yêu cầu kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 nhưng Chính phủ và các bộ ngành đã xem xét, chỉ đạo giải quyết khối lượng rất lớn, 2331/2605 kiến nghị cử tri trên toàn quốc đã được xem xét, giải quyết. 

Các bộ ngành đã tiếp thu kiến nghị của cử tri, sưả đổi, bổ sung 26 văn bản, triển khai thực hiện một số giải pháp trong quản lý điều hành, kịp thời hỗ trợ người dân nâng cao sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cuộc sống.

Chính phủ và các bộ ngành cũng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, các số liệu nêu trong báo cáo rất rõ, hơn 4000 cuộc thanh tra hành chính, hơn 94  nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đã phát hiện số lượng vi phạm rất lớn như trong báo cáo.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong giải quyết, xử lý, trả lời kiến nghị của cử tri, trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trong các phụ lục kèm theo Báo cáo, còn một số lượng nhất định kiến nghị của cử tri gửi đến có thống kê nhưng chưa xử lý và chưa có lộ trình xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành rà soát thêm, cần có lộ trình để trả lời cử tri và có cơ sở để giám sát, bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, chứ không chỉ riêng trách nhiệm của Chính phủ.

9h18: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trong báo cáo tóm tắt có nêu ví dụ về việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới lần đầu đưa ra Quốc hội, còn nhiều chính sách, quy định cần thảo luận, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đạt được sự đồng thuận cao. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không liệt kê dự án luật này trong ví dụ trên.

9h20: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhất trí với báo cáo tóm tắt do Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã trình bày. Về việc giải quyết đơn thư và chất lượng giải quyết đơn thư, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, vấn đề liên quan đến điều chỉnh hành vi của xã hội là quá trình dài hơi, từ việc động viên đến hướng dẫn thực hiện, nhưng cần có thời gian để điều chỉnh, tạo chuyển biến trong giải quyết kiến nghị của người dân. 

Do vậy, cần có giải pháp, lộ trình rất rõ ràng, bởi người dân rất mong chờ kết quả giải quyết, có định hướng cụ thể, vì những kiến nghị đều là những vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, có một số quy trình giải quyết đơn thư, khiếu kiện còn kéo dài, nên người dân phải chờ đợi lâu,s dẫn tới tâm lý thiếu tin tưởng vào trách nhiệm và thẩm quyền, tính nghiêm minh của pháp luật.

9h25: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy bày tỏ nhất trí với các nội dung Báo cáo và số liệu của Ban Dân nguyện đã trình bày…

Liên quan đến các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trong thời gian qua,  Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt với nhiều biện pháp , cùng sự chủ động, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, nhiều vụ việc đã được rà soát, xử lý đúng quy định… 

Lý giải việc đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm 2022, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho rằng một số địa phương thiếu tính chủ động khi một số vụ việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương chưa được xử lý kịp thời. Nguyên nhân do công tác này tại địa phương chưa được quan tâm xử lý kịp thời.

9h28: Nghỉ giải lao

9h49: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc trả lời kiến nghị của cử tri là công tác rất quan trọng mà Bộ chú trọng, tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, có một số nội dung kiến nghị trả lời chậm hơn so với yêu cầu, bởi cần có thời gian để các cơ quan chuyên môn tổng hợp thông tin. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiêm túc khắc phục, đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị cử tri đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Về vấn đề sửa đổi danh mục thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và toàn diện so với mức phí bảo hiểm y tế. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế của Việt Nam được ghi dưới dạng hoạt chất, thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại, do vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh, không bị giới hạn bởi các chủng loại thuốc, giá cả thuốc, mà căn cứ vào mô hình bệnh tật để các cơ sở y tế xây dựng danh mục thuốc tại đơn vị, đảm bảo tính chủ động linh hoạt cho các cơ sở y tế. 

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, việc rà soát, bổ sung danh mục thuốc là việc định kỳ, thường xuyên. Mới đây, ngày 31/12/2022, Bộ y tế đã ban hành Thông tư số 20 để rà soát, ban hành các danh mục, tỷ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu trong phạm vi người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng. 

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ cũng đang chỉ đạo Cục Bảo hiểm y tế rà soát, cập nhật các danh mục thuốc, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, việc cập nhật danh mục thuốc còn liên quan đến việc đánh giá sự an toàn, tác động với Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ ngành để rà soát danh mục này định kỳ. Theo dự kiến, đầu năm 2024 sẽ có văn bản cập nhật về vấn đề này.

9h57: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Ban Dân nguyện liên quan đến nhiều nội dung như giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo và các công việc liên quan, các đánh giá rất sát với thực tiễn. 

Liên quan đến pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp công dân không có điều kiện kinh tế do thiên tai, hỏa họa hoặc bệnh hiểm nghèo, công dân xin hoãn hoặc miễn giảm. Thủ tục hành chính đã có tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, vướng mắc ở đây là khi yêu cầu công dân đó đến tỉnh khác để xin hoãn, miễn giảm thì sẽ rất khó khăn vì công dân đó không có kinh tế hoặc bệnh hiểm nghèo.

Vì vậy, khi Bộ Tư pháp soạn thảo Nghị định 108 để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Trong quá tình thực hiện, Ban Dân nguyện đã nêu vấn đề này và Bộ Tư pháp đã ghi nhận nội dung này. Trong rà soát theo Nghị quyết 101, Bộ Tư pháp đã báo cáo với Chính phủ để rà soát Nghị định 108 cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính, qua đó đảm bảo thống nhất và tạo điều kiện cho công dân, tránh việc đi lại phiền phức.

10h00: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đồng tình với Báo cáo do Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày tại Phiên họp.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 117/263 ý kiến của cử tri nhưng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan liên quans trả lời chậm, trong đó các ý kiến chủ yếu về giải quyết chính sách về hưu trí, chính sách lao động, chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng với đại dịch COVID-19. 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, nguyên nhân của việc chậm trả lời chủ yếu do hồ sơ người có công với cách mạng  tồn đọng lâu và kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, cán bộ chiến sĩ tham gia chống Pháp không có văn bản giấy tờ và một số người đã mất lâu nên gia đình không có thông tin hoặc rất ít thông tin nên việc xác minh để trả lời công dân về các hồ sơ giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng kéo dài. 

Về chính sách bảo hiểm xã hội, trước năm 1995 chưa có cái quy định rõ ràng về thời gian đóng, mức đóng, mức hưởng và lưu trữ hồ sơ thời kỳ đó kém, các cơ quan, đơn vị hiện nay không nên việc hỏi những vấn đề về chính sách đối với người hưởng lương hưu hay người hưởng mất sức lao động mất thời gian.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với mức hỗ trợ nhỏ, thấp, nhưng  liên quan đến quyết định về cách ly, khu vực cách ly không rõ nên quá trình trả lời các chính sách này  mất nhiều thời gian.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong quá trình đôn đốc triển khai các cơ quan đơn vị trả lời tiếp tục trả lời nhanh hơn và khoa học, hợp lý hơn.

10h06: Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cho rằng, về thời điểm báo cáo, báo cáo của Ban Dân nguyện lấy thời điểm từ 1/8/2022 đến 31/7/2023, điều này không phù hợp với các báo cáo khác trình Quốc hội, vốn thường lấy mốc từ 1/10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cần thống nhất thời gian báo cáo, đảm bảo đồng bộ khi trình Quốc hội.

Về tình trạng lưu đơn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc thực hiện trả lại đơn là một phương án khả dĩ, tuy nhiên cần có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với việc kiến nghị trùng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để hạn chế trường hợp tiếp tục hỏi lại, kiến nghị lại những vấn đề đã được giải đáp.

10h11: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung báo cáo, đồng thời đã có những ý kiến để Ban Dân nguyện hoàn thiện Báo cáo… 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, những nội dung báo cáo đã bao quát, toàn diện, xác đáng và có những kinh nghiệm cụ thể, phù hợp, có căn cứ. Đồng thời, trên cơ sở kết quả phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu mọi ý kiến tại phiên họp hôm nay để nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện các Nghị quyết có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp xúc cử tri…

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan của Chính phủ tiếp tục cố gắng, quyết liệt hơn trong công tác giải quyết đơn thư khiếu, nại tố cáo của công dân… trong thời gian tới

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác