TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 13/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN PHÁP LỆNH CHI PHÍ TỐ TỤNG VÀ THÔNG QUA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

13/12/2023

Tiếp tục thực hiện dự kiến chương trình phiên họp thứ 28, 14h00 chiều 13/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng và xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 13/12: UBTVQH XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC THÀNH LẬP MỘT SỐ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH BẮC GIANG VÀ THANH HOÁ

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 28: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN ĐỐI VỚI 19 NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. 

Theo đó, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận sau khi nghe: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày tờ trình về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng (1); Tổng Thư ký Quốc hội trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (2).

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp chiều 13/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng do Tòa án nhân dân tối cao trình.

Dự phiên họp có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng; Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Các cơ quan Ủy ban Trung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước cử cán bộ cấp vụ dự họp. Tiếp theo, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trình bày Tờ trình.

14h01: Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Nêu rõ thực trạng pháp luật về chi phí tố tụng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 được ban hành để cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nên một số quy định của Pháp lệnh này chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; một số quy định chưa chi tiết , không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay .

Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến , người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết.

Đối với chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa thì pháp luật hiện hành chỉ quy định riêng cho đối tượng là luật sư, trợ giúp viên pháp lý  mà chưa có quy định cho bào chữa viên nhân dân.

Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Mức chi cho Hội thẩm còn thấp, không khuyến khích được Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử. Việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất; Một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định chưa được pháp luật điều chỉnh…

Do đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng là rất cần thiết.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Pháp lệnh gồm 92 điều, 13 chương. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, Dự thảo Pháp lệnh quy định các chi phí tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự và trong thủ tục xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15, Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15.

Về việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định, dự thảo Pháp lệnh về cơ bản kế thừa quy định về miễn, giảm chi phí giám định của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13, đồng thời bổ sung việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tương tự như đối với chi phí giám định; bổ sung một số đối tượng được miễn (người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng;…); sửa đổi trường hợp được giảm là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp. Việc bổ sung các quy định này đã thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước, bảo đảm quyền khởi kiện của chủ thể tham gia tố tụng.

Về chi phí tố tụng cụ thể, dự thảo Pháp lệnh quy định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản, chi phí giám định, chi phí cho Hội thẩm, chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện do Tòa án chỉ định, chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến, chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật, chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài và chi phí tố tụng khác.

Nội dung dự thảo Pháp lệnh đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách chính sách tiền lương.

Bên cạnh đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến báo cáo UBTVQH về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như về phụ cấp xét xử cho Hội thẩm, về chi phí thù lao cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia hoạt động tố tụng.

14h14: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định: Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của TANDTC, nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), Điều 370 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) và tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) về chi phí tố tụng, góp phần quan trọng bảo đảm các điều kiện để hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời và hiệu quả.

Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh (Điều 1): Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của dự thảo Pháp lệnh, bao gồm các chi phí trong cả 3 lĩnh vực tố tụng theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC và Bộ luật TTHS.

Mặc dù Bộ luật TTHS không giao UBTVQH quy định về chi phí tố tụng như Bộ luật TTDS và Luật TTHC, nhưng khoản 4 Điều 135 Bộ luật TTHS và thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu phải có quy định cụ thể về các loại chi phí trong TTHS. Hiện nay, Pháp lệnh số 02 và Nghị định số 81 của Chính phủ (quy định chi tiết Pháp lệnh số 02) cũng đang quy định về một số chi phí trong cả 3 lĩnh vực tố tụng. Trong quá trình bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, UBTVQH đã nhất trí ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và UBTP, tán thành việc ban hành Pháp lệnh để quy định một số chi phí tố tụng được Bộ luật TTDS, Luật TTHC giao, đồng thời kế thừa phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh số 02 hiện hành (bao gồm cả chi phí trong TTHS); dự kiến chương trình đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5...

Có ý kiến khác cho rằng: Chỉ Bộ luật TTDS và Luật TTHC giao UBTVQH quy định về chi phí tố tụng; Bộ luật TTHS không giao trách nhiệm này cho UBTVQH. Do đó, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này chỉ quy định một số chi phí tố tụng trong lĩnh vực TTDS và TTHC, không quy định trong lĩnh vực TTHS.

Về các loại chi phí tố tụng (Điều 4): Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Pháp lệnh số 02 hiện hành chỉ quy định đối với 04 loại chi phí tố tụng gồm: chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch. 

Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh đã mở rộng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật, do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp. Cụ thể, Ủy ban Tư pháp tán thành quy định về các loại chi phí sau đây:

Thứ nhất, các chi phí đã được xác định cụ thể tại Điều 169 của Bộ luật TTDS, Điều 370 của Luật TTHC và Điều 135 của Bộ luật TTHS, gồm: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; Chi phí giám định; Chi phí định giá tài sản; Chi phí cho người làm chứng; Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; Chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa.

Thứ hai, một số chi phí khác theo quy định của luật hoặc pháp luật có liên quan, gồm: Chi phí cho Hội thẩm (căn cứ quy định tại Điều 88 Luật Tổ chức TAND); Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện giám định (căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Giám định Tư pháp).

Thứ ba, một số chi phí có tính chất tương tự với những chi phí đã được Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS, Luật TTHC và luật khác quy định, gồm: Chi phí xem xét tại chỗ trong TTHS; Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện định giá tài sản; Chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định.

Ngoài các chi phí nêu trên, dự thảo Pháp lệnh còn quy định 04 loại chi phí, gồm: (1) Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; (2) Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, chi phí xác minh tài liệu, chứng cứ; (3) Chi phí sao chụp tài liệu; (4) Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng.

Đối với 04 loại chi phí này, Ủy ban Tư pháp có 02 loại ý kiến: Đa số ý kiến tán thành quy định 04 loại chi phí nêu trên do đây là các chi phí phát sinh trực tiếp, gắn liền với các nhiệm vụ tố tụng được các luật tố tụng giao (Ví dụ: khi thực hiện nhiệm vụ tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài thì phát sinh chi phí thuê dịch tài liệu tố tụng …). Thực tế, khối lượng công việc thuộc 04 nhiệm vụ này rất lớn, phát sinh nhiều chi phí, nếu không được xác định là chi phí tố tụng, mà phải bố trí vào kinh phí chi thường xuyên theo định mức sẽ rất khó khăn cho các cơ quan tố tụng. 

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù 04 loại chi phí nêu trên đều phát sinh trực tiếp từ những hoạt động đã được quy định trong luật tố tụng nhưng Luật không giao UBTVQH quy định các nội dung này. Do đó, để thực hiện đúng khoản 1 Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cân nhắc không quy định về 04 loại chi phí này trong Pháp lệnh.

Về mức chi cụ thể với các loại chi phí thành phần: Ủy ban Tư pháp nhận thấy, thực tế hiện nay, trên cơ sở Pháp lệnh số 02 chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết thì các chế độ, tiêu chuẩn, định mức cụ thể của từng loại chi phí tố tụng đang được điều chỉnh, thực hiện theo nhiều Nghị định, Thông tư, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Với hệ thống các văn bản chi tiết này, việc “pháp điển hóa” để quy định đầy đủ tất cả các mức chi phí tố tụng cụ thể trong dự thảo Pháp lệnh là không khả thi, đồng thời thiếu tính linh hoạt trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung các định mức cụ thể để phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, UBTP cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh theo nguyên tắc áp dụng tại Điều 3 nêu trên.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, riêng về Danh mục chi phí thù lao và phụ cấp xét xử ban hành kèm theo Pháp lệnh: UBTP cơ bản tán thành với chủ trương sửa đổi, nâng mức chi cao hơn quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số mức thù lao cao hơn khá nhiều (thù lao cho người làm chứng nâng từ 50.000 đồng/1 ngày lên thành 200.000 đồng/1 ngày; phụ cấp xét xử của Hội nâng từ 90.000đ/1 ngày lên thành 900.000đ/1 ngày...). Đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi và tiếp tục cân nhắc, đề xuất mức chi phù hợp. Đề nghị Chính phủ có ý kiến đối với Danh mục này.

Về việc nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng: Trong hoạt động TTDS và TTHC, UBTP nhất trí với dự thảo Pháp lệnh quy định dẫn chiếu việc nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí và việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng theo quy định tương ứng của Bộ luật TTDS, Luật TTHC.

Trong hoạt động TTHS, đối với chi phí định giá tài và chi phí giám định, dự thảo Pháp lệnh quy định: Cơ quan tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, ra quyết định trưng cầu giám định chịu trách nhiệm chi trả chi phí. Quy định này bảo đảm thực hiện đúng khoản 1 Điều 136 Bộ luật TTHS; tuy nhiên, lại chưa thật sự thống nhất với Luật Giám định tư pháp, các văn bản pháp luật hiện hành về định giá tài sản trong TTHS. UBTP đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Có thể cân nhắc quy định dẫn chiếu theo hướng: về trách nhiệm nộp tiền tạm ứng, thủ tục nộp tiền tạm ứng và trách nhiệm chi trả chi phí định giá tài sản, chi phí giám định trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá và giám định.

14h28: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của pháp lệnh với hệ thống pháp luật hiện hành, việc chuẩn bị hồ sơ dự án pháp lệnh. Về những nội dung mới, nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó có tên gọi, phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong Bộ Luật tố tụng dân sự có giao UBTVQH ban hành pháp lệnh về chi phí tố tụng, tuy nhiên Bộ Luật tố tụng hình sự không có nội dung giao cho UBTVQH. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phân tích kỹ nội dung này, đưa ra quan điểm rõ ràng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Về tên gọi của Pháp lệnh, Quốc hội đã thể hiện quan điểm trong Nghị quyết, cần giữ nguyên tên gọi của Pháp lệnh. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến về các vấn đề đại biểu quan tâm.

14h38: Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Phát biểu về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Pháp lệnh cũng như hồ sơ của dự thảo Pháp lệnh. Đồng thời cho rằng, nội dung dự thảo Pháp lệnh đã quy định cụ thể, đảm bảo tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn…

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đánh giá cao  Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp với những nội dung rất cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là rõ những chính kiến về phương án trong Tờ trình đưa ra. Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với việc quy định ở trong dự thảo Pháp lệnh này đối với cả ba lĩnh vực, đó là lĩnh vực tố tụng hình sự,  tố tụng dân sự, tố tụng hành chính với 13 loại chi phí tố tụng như trong dự thảo Pháp lệnh đề cập. 

“Tuy nhiên, với 13 loại chi phí nêu trên cũng chưa chắc đã bao quát hết tất cả những chi phí tố tụng trong thực tiễn. Vì vậy, tôi cũng đề nghị sửa lại trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh theo hướng Pháp lệnh chỉ điều chỉnh một số chi phí tố tụng chứ không phải tất cả các chi phí tố tụng để đảm bảo dự lường được những chi phí mà ta chưa thể đưa được vào trong dự án Pháp lệnh này. Quy định như vậy sẽ thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện của các cơ quan được giao nhiệm vụ”, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm.

14h46: Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đào Ngọc Chuyền phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Đào Ngọc Chuyền bày tỏ đồng tình và cơ bản nhất trí với công tác chuẩn bị cũng như các nội dung của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Đào Ngọc Chuyền nhấn mạnh việc xác định có 13 loại chi phí xét xử trong dự thảo Pháp lệnh là khá đầy đủ.

Liên quan đến chi phí thù lao, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Đào Ngọc Chuyền đề nghị thêm 2 mục 8, 9 là thù lao luật sư. Ở mục 4: Thù lao của cấp xét xử Hội thẩm 900.000VNĐ/1 ngày, mức này là mức xứng đáng. Đồng thời liên quan đến chính sách tiền lương, giá cả, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Đào Ngọc Chuyền phải điều chỉnh cho phù hợp và khi điều chỉnh có 2 phương án:

Thứ nhất, nếu tính theo hệ số nhân với lương cơ sở, lương cơ sở tăng thì hệ số cũng thay đổi.

Thứ hai, liên quan đến từng mức cụ thể, chúng ta phải tính đến những phương án theo những trường hợp biến động để điều chỉnh cho phù hợp.

Cuối cùng, chi phí khác trong tố tụng chưa được đưa vào Pháp lệnh này. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Đào Ngọc Chuyền, trên thực tế, quá trình tiến hành tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện những việc về chi phí tố tụng, kể cả những nội dung liên quan đến những khối nghiệp vụ khác như giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố,…

14h52: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ đầu khóa đến nay, tính cả dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 5 pháp lệnh, trong đó có đến 4 dự án là do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo. Điều này cho thấy Tòa án nhân dân tối cao đã rất tích cực, nỗ lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp kỹ lưỡng, công phu. 

Đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có những nội dung cần thận trọng là cần thiết và việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại hai phiên họp là phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tính thống nhất của hệ thống pháp luật là vấn đề rất quan trọng. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cơ quan thẩm tra tiếp tục làm kỹ lưỡng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp lần sau. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được ban hành năm 2012. Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2015. Như vậy, Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 được ban hành trước Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 quy định rõ về 04 loại chi phí, đồng thời có nguyên tắc là các chi phí được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan. Pháp lệnh 02 cũng nói rõ phạm vi nhưng không phải là tất cả chi phí tố tụng. Do đó, đề nghị nghiên cứu thật kỹ lưỡng nội dung của pháp lệnh này. 

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tại sao Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi phí về tố tụng nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự thì lại không giao. Kinh nghiệm quốc tế thì chi phí tố tụng hình sự là do Nhà nước bảo đảm bởi Nhà nước là chủ thể duy nhất có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh cá nhân, pháp nhân là có tội và Nhà nước bảo đảm ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này.

Những vướng mắc mà trong tố tụng hình sự về nhất là về chi phí giám định tư pháp, định giá tài sản nên chăng phải giải quyết trong các luật chuyên ngành về giám định tư pháp, về định giá và dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan tố tụng.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ những chi phí nào để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng thì phải đảm bảo tối đa theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, kinh nghiệm thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về tính khả thi của dự án Pháp lệnh này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh không ủy quyền cho một cơ quan khác quy định chi tiết hướng dẫn của Pháp lệnh. Tuy nhiên thực tiễn muốn chi được thì cần phải có quy định về định mức chi, tiêu chuẩn chi, cách chi đúng…Nên chăng Pháp lệnh này chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào thì sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan tổ chức liên quan phải quy định mức chi rồi dự toán chi cụ thể. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan tố tụng phải có ý kiến đối với dự án Pháp lệnh này. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho ngành tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, đồng thời đảm bảo tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nội dung quy định của Pháp lệnh theo thẩm quyền được giao.

15h09: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị dự án luật tương đối công phu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ dự án pháp lệnh phải được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và Cổng Thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo, nhưng hiện nay chưa thấy hồ sơ được đăng tải trên hai trang web này đảm bảo 30 ngày theo quy định. Do vậy, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua pháp lệnh, ban soạn thảo cần lưu tâm để đảm bảo đúng quy định.

Về chi phí cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia hoạt động Tố tụng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với phương án thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất, đó là đối tượng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong mô tả vị trí việc làm của họ không có nhiệm vụ quyền hạn tham gia hoạt động Tố tụng thì được hưởng thù lao khi tham gia hoạt động Tố tụng.

Về những trường hợp được miễn giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định, miễn chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính quy định ở  khoản 1 Điều 7, 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị viết lại cách thể hiện điểm e theo hướng: Người đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở các thôn xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, quy định như vậy để thống nhất với các điểm còn lại, nếu dùng cụm từ “đồng bào dân tộc thiểu số” dễ dẫn tới cách hiểu là “cộng đồng”.

Về tổ chức thi hành, tại Điều 92 của dự thảo pháp lệnh quy định ở khoản 1: giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập dự toán thanh toán chi phí Tố tụng hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của pháp lệnh này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành phải được trình kèm hồ sơ dự án; đồng thời phải có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, hồ sơ dự án pháp lệnh này chưa có văn bản quy định chi tiết kèm theo, do đó Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp với Chính phủ bổ sung văn bản quy định chi tiết.

15h13: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu

Cho rằng các vấn đề Chủ tịch Quốc hội đặt ra rất lớn, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo thêm về vấn đề giao nhiệm vụ của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính và giao cho UBTVQH hướng dẫn. Tuy nhiên Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự không giao cho UBTVQH hướng dẫn, do đó không căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội đã cho xây dựng Pháp lệnh này nhưng theo truyền thống pháp lý, Pháp lệnh số 02 từ nhiều năm nay đã đáp ứng việc này và trên thực tế nếu không quy định thì sẽ vướng ở hiện tại và trong tương lai còn vướng hơn nữa. 

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 135, khoản 4 mục c có quy định về các chi phí khác, tuy nhiên Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận thấy, hiện chúng ta chưa có hướng dẫn về các chi phí khác. Trong khi đó, thực tế các chi phí khác hiện nay càng ngày càng lớn. 

“Ví dụ các vụ lừa đảo qua mạng, nạn nhân là hàng chục nghìn người, nếu tống đạt giấy tờ cho hàng chục nghìn nạn nhân thì sẽ rất vất vả cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Đây chính là các chi phí khác trong thực tiễn và đang ngày càng nhiều và phức tạp. Công an và Viện kiểm sát không thể hoạch định được một năm nay có bao nhiêu vụ án lừa đảo qua mạng. Đây cũng là bài toán thực tiễn, nếu chúng ta không làm thì sẽ rất khó”, Chánh án TANDTC nêu dẫn chứng.

Do đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đề nghị cần quy định thêm các chi phí khác vào dự thảo Pháp lệnh này. Nếu phát sinh thêm trong thực tiễn các chi phí khác thì sau này sẽ tiếp tục báo cáo UBTVQH. Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận thấy, nếu không quy định thêm thì sẽ gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn, vì vậy mong muốn UBTVQH ủng hộ.

15h26: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, các chi phí; đồng thời yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan...

Theo đó, Ủy ban Pháp luật tán thành phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh quy định về chi phí trong hoạt động tố tụng dân sự, hành chính và hình sự cũng như là các chi phí cho Tòa án xem xét, quyết định đơn của người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua cũng như là chi phí áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án.

Liên quan đến chi phí trong tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị là sau phiên họp này, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tư pháp để báo cáo làm rõ những lý lẽ liên quan đến việc Pháp lệnh này quy định hay không quy định để báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phạm vi điều chỉnh liên quan đến phụ cấp xét xử của Hội thẩm, Ủy ban Pháp luật nhận thấy rằng, đây là vấn đề cũng cần phải quy định và Luật tổ chức Tòa án Nhân dân hiện hành cũng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) mà Quốc hội vừa cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 thì cũng vẫn kế thừa quy định này. Cho nên đây là vấn đề cần thiết và cũng phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì luật đã ra.

15h39: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, câu hỏi lớn đang đặt ra là có nên đưa vấn đề điều chỉnh tố tụng hình sự vào pháp lệnh hay không. Cơ bản đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị các đại biểu tiếp tục xem xét, ủng hộ, không nên bỏ nội dung hình sự vì như vậy sẽ dẫn đến vướng mắt trong thực tiễn triển khai thực hiện.

15h42: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các phiên họp, tọa đàm…, đặc biệt phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp mời các chuyên gia tham gia thêm ý kiến về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tinh thần Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý ủng hộ việc ban hành Pháp lệnh mới với việc quy định các loại chi phí tố tụng một cách đầy đủ, bao quát nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan tư pháp, các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, công dân và tổ chức có liên quan thực hiện. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cần phải tiếp tục giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi, tên gọi của dự thảo Pháp lệnh. “Các nội dung này cần phải được giải trình một cách rất đầy đủ, đúng thẩm quyền, đúng thủ tục, đúng trình tự, mà phải tháo gỡ được thực tiễn các vấn đề đang đặt ra như tinh thần của Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất, quy định một cách đầy đủ nhất theo đúng thẩm quyền các cơ quan tố tụng, các cơ quan tư pháp và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

15h48: Nghỉ giải lao (15 phút)

16h06: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Điều hành nội dung thứ hai của phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp tục nội dung buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. 

Tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

16h08: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường Trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tính từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện được 31 phiên giải trình, trong đó có một số phiên giải trình do 02 Ủy ban cùng phối hợp tổ chức. Việc tổ chức các phiên giải trình đã góp phần làm rõ, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống xã hội, những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, được cử tri và Nhân dân quan tâm; qua đó, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tuy đã được quy định cơ bản trong một số văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân..., nhưng các quy định mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, nên việc tổ chức các phiên giải trình cũng còn gặp không ít khó khăn, lúng túng, thiếu thống nhất trong việc quyết định lựa chọn vấn đề giải trình; việc xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức phiên giải trình, kết luận vấn đề được giải trình; việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện kết luận vấn đề được giải trình... Do đó, chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, người được yêu cầu giải trình, cá nhân, tổ chức có liên quan, cũng như các cơ quan, đơn vị phục vụ hoạt động giải trình; thiếu thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham dự của chuyên gia hoặc đối tượng chịu tác động của chính sách nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình. 

Xuất phát từ tình hình nêu trên, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, nhất là về trình tự, thủ tục, bảo đảm yêu cầu “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” thì việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác giải trình đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội như Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội đã đặt ra. 

Về tính chất, vai trò của hoạt động giải trình, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi hướng dẫn của dự thảo Nghị quyết, vì cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một trong các phương thức hoạt động giám sát, không phải là hoạt động thuộc lĩnh vực lập pháp. Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi hướng dẫn của dự thảo Nghị quyết theo hướng hoạt động giải trình không chỉ trong hoạt động giám sát mà cả trong hoạt động lập pháp, với tính chất là một kênh để thu thập thông tin phục vụ cho việc thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; theo đó, các cơ quan của Quốc hội tổ chức các cuộc họp để nghe cơ quan xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết giải thích, cung cấp thông tin về các chính sách, nội dung trong các dự án được trình, tương tự như hoạt động điều trần của nghị viện một số nước.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một phương thức hoạt động giám sát, không phải là hoạt động của công tác lập pháp. Điều này khác với hoạt động điều trần của nghị viện một số nước. Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết này là văn bản hướng dẫn việc thi hành các quy định của các luật có liên quan nên cần phải phù hợp với quy định của các luật. 

Vì vậy, dự thảo Nghị quyết cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một trong các phương thức của hoạt động giám sát, không mở rộng ra hoạt động lập pháp. Tổng Thư ký Quốc hội xin ghi nhận ý kiến này và sẽ chuyển nội dung này đến cơ quan soạn thảo để tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong thời gian tới.

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cần phải tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo Nghị quyết; theo đó, hằng năm, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức ít nhất 01 phiên giải trình theo chương trình giám sát. Ý kiến khác cho rằng không nên quy định cứng như dự thảo, vì việc tổ chức phiên giải trình phải căn cứ vào tình hình cụ thể và điều kiện, khối lượng công việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm; do đó, nên giao quyền quyết định số lượng phiên giải trình cho Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. 

 Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, để góp phần nâng cao kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định “tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” và tại Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022, Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu các Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội”. 

Hơn nữa, qua báo cáo của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, có một số cơ quan quan của Quốc hội đã rất quan tâm và tổ chức các phiên giải trình nhưng cũng có cơ quan chưa quan tâm đúng mức, chưa tổ chức phiên giải trình nào. Các vấn đề được giải trình chưa bao quát các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. 

Do vậy, để có cơ sở pháp lý thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, nâng cao kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội xin được giữ như dự thảo Nghị quyết.

16h18: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Báo cáo tóm tắt ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành với sự cần thiết và mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết như được nêu tại Tờ trình số 2873; đồng thời nhấn mạnh thêm một số yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, việc hướng dẫn hoạt động giải trình của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội cần bảo đảm thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật HĐGS của QH và HĐND) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 

Thứ hai, các hướng dẫn của Nghị quyết phải cụ thể, chi tiết, khả thi, dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ ba, trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giải trình của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội phải phản ánh đúng bản chất của hoạt động giải trình và thực tiễn hoạt động giải trình thời gian qua; đồng thời, quy trình các bước chuẩn bị, tiến hành, ban hành kết luận phiên giải trình cần khẩn trương, đáp ứng yêu cầu kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, đã lấy ý kiến và tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan, bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại Điều 19 của Quy chế làm việc của UBTVQH, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét.

Liên quan đến các nội dung còn có ý kiến khác nhau, về tính chất pháp lý, trình tự, thủ tục xây dựng dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng tình với cơ quan soạn thảo và cho rằng Nghị quyết này không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản hướng dẫn có tính chất cẩm nang để hướng dẫn thực hiện thống nhất việc tổ chức hoạt động giải trình của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết không đặt ra các quy định mới mà cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện quy định trong các luật có liên quan về lựa chọn, quyết định nội dung giải trình, trình tự tổ chức hoạt động giải trình, thực hiện kết luận giải trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan… tương tự như nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật và nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã được UBTVQH ban hành.

Về tính chất của hoạt động giải trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo xác định phạm vi hướng dẫn của Nghị quyết là đối với hoạt động giải trình tại phiên họp của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, là một trong các phương thức giám sát của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội, không mở rộng đối với “giải trình” trong công tác xây dựng pháp luật. Thông qua hoạt động giải trình sẽ góp phần làm rõ hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thực hiện pháp luật, những vướng mắc, bất cập (nếu có) của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, là nguồn thông tin đầu vào quan trọng phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Theo đó, đề nghị chỉnh lý Điều 1 theo hướng Nghị quyết này hướng dẫn hoạt động giải trình tại phiên họp của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội quy định tại Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình HĐDT, Ủy ban của Quốc hội cần phải tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định số lượng tối thiểu phiên giải trình HĐDT, Ủy ban của Quốc hội cần phải tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm. Việc lựa chọn nội dung và quyết định tổ chức phiên giải trình phải căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết và nên linh hoạt để HĐDT, Ủy ban quyết định lựa chọn hình thức giám sát phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế để tiến hành giám sát đối với vấn đề có bất cập, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.

Liên quan đến các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, về tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình (Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc hướng dẫn loại trừ không tiến hành giải trình đối với vấn đề đã ghi trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị của Quốc hội, UBTVQH, HĐDT, Ủy ban của Quốc hội có hiệu lực thi hành chưa quá 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức phiên giải trình vì sẽ hạn chế quyền chủ động của các cơ quan của Quốc hội quyết định tổ chức phiên giải trình đối với vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn, được dư luận quan tâm mặc dù chưa hết thời hạn 12 tháng nêu trên.

Về hoạt động giải trình do 2 cơ quan của Quốc hội trở lên cùng tổ chức (khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 14), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không hướng dẫn hình thức phiên giải trình do 2 cơ quan của Quốc hội trở lên cùng tổ chức như trong dự thảo Nghị quyết mà nghiên cứu hướng dẫn việc phối hợp tổ chức như thực tế đang thực hiện trong thời gian qua. Trong trường hợp vấn đề cần giải trình có nội dung phức tạp, liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều cơ quan của Quốc hội thì có thể đề nghị UBTVQH tổ chức hình thức giám sát phù hợp (có thể là hình thức chất vấn hoặc giám sát chuyên đề).

Về Kết luận của phiên giải trình (Điều 16), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát, lược bỏ quy định lấy ý kiến tại khoản 4; đồng thời, chỉnh lý khoản 5 theo hướng Kết luận được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội biểu quyết tán thành để thống nhất với quy định của Luật HĐGS của QH và HĐND.

16h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận hồ sơ tài liệu về dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, tiến hành lấy ý kiến nhiều lần.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ giải trình là một thuật ngữ pháp luật được nhiều văn bản luật quy định trước hết là Hiến pháp và ngoài Luật Hoạt động giám sát, Luật Tổ chức Quốc hội còn có Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Xử lý vi phạm hành chính và nhiều văn bản dưới luật. Trong đó, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định quy định về giải trình liên quan Luật Phòng, chống tham nhũng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có cách tiếp cận rộng hơn.

Về mặt lịch sử, phiên giải trình đầu tiên do Ủy ban Xã hội tổ chức, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Trương Thị Mai diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/4/2010, có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và khai mạc; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân là Bộ trưởng đầu tiên giải trình trước Ủy ban Xã hội về vấn đề chính sách giảm nghèo, thực hiện Quỹ Bảo hiểm xã hội và một số nội dung quan trọng cần sửa đổi trong Bộ luật Lao động. Phiên họp này có tiếng vang rất  lớn.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 27 ngày 21/6/2012, có hiệu lực từ mùng 1/7/2012 về một số cải tiến đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội, trong đó có các nội dung là đổi mới giám sát. Trong đó có quy định giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục tổ chức giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên đến nay chưa ban hành.

Đến khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ và trong suốt thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo thực hiện khẩn trương.

Gợi ý nội dung thảo luận đồng thời cho ý kiến về các nội dung xin ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tính chất của văn bản có phải quy phạm hay không quy phạm thì đều có hiệu lực thực hiện. Về tính chất của hoạt động giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng ý kiến không mở rộng giải trình ra xây dựng pháp luật vì Luật Hoạt động giám sát là không hợp lý. Bởi trong xây dựng pháp luật cũng có xây dựng pháp luật về giám sát; trong giám sát cũng giám sát về pháp luật, xây dựng pháp luật, chương trình xây dựng pháp luật; trong vấn đề quyết định quan trọng của đất nước cũng có quyết định các vấn đề liên quan giám sát. Do đó, giám sát là phải giám sát toàn diện. 

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định  cho rằng trách nhiệm giám sát, chức năng giám sát phải toàn diện và đã là chức năng thì phải làm hết nhiều.

Về tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật và cho rằng không nên hạn chế vấn đề đề chưa qua 12 tháng thì không giải trình.

Về hoạt động giải trình cho hai cơ quan của Quốc hội trở lên cùng tổ chức, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất với Ủy ban Pháp luật là chỉ nên có một cơ quan chủ trì và cơ quan khác phối hợp tổ chức. Việc kí kết luận phiên giải trình cũng sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì ký ban hành. 

Về việc quyết định hoạt động giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải phân biệt trường hợp nào thì Ủy ban quyết định tập thể và nội dung đột xuất nhất thời thì giao cho Thường trực Ủy ban quyết định. Trong đó kế hoạch hàng năm cụ thể thành chương trình 6 tháng và chương trình quý và có thể theo hàng tháng. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng không cần thiết quy định về tổ chức phiên trù bị cho phiên giải trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giải trình bắt buộc phải có kết luận, kết luận phải sát nội dung giải trình, rõ thông tin, đánh giá đúng thực trạng, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xác định đúng vấn đề cần phải làm tiếp, thời hạn phải làm, thời hạn phải báo cáo lại và thông tin công khai. Đồng thời quy định kết luật phiên giải trình phải được biểu quyết tại phiên giải trình, không nên có cuộc họp riêng để biểu quyết về kết luận giải trình.

16h47: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, Hội đồng Dân tộc đã tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Về một số nội dung xoay quanh việc đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Hội đồng Dân tộc đã gửi văn bản, bộ hồ sơ cho các bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân các địa phương để lấy ý kiến, qua đó sẽ tiến tới hoàn thiện. 

Về các vấn đề liên quan đến hoạt động giải trình, chúng ta làm cẩm nang hướng dẫn để thống nhất trong cách thức thực hiện trong các cơ quan Quốc hội. Trong các chính sách sửa đổi luật cũng có các nội dung cụ thể hóa các nội dung đã có trong các Nghị quyết của Quốc hội, pháp điển hóa đầy đủ, làm rõ để trình Quốc hội cho ý kiến.

Đối với những nội dung cần giải trình đột xuất, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, nếu làm theo trình tự thủ tục thông thường thì sẽ không thể triển khai được kịp thời, đáp ứng yêu cầu của đời sống. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng cần thiết kế trình tự riêng biệt cho những vấn đề nóng, để hoạt động giải trình được tiến hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

16h51: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, về quy định về thực hiện Kết luận vấn đề được giải trình, dự thảo Nghị quyết đang quy định người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm ban hành kế hoạch thực kiện Kết luận vấn đề được giải trình chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành Kết luận và gửi đến Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội đã ban hành Kết luận để theo dõi việc thực hiện Kết luận. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định như vậy ở một số trường hợp là không cần thiết, mà chỉ nên quy định như vậy với những việc lớn.

16h52: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tiếp thu, giải trình

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tiếp thu, giải trình nhấn mạnh: Các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là Ủy ban Pháp luật đã đồng hành và hỗ trợ Văn phòng Quốc hội nhiều trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường xin được tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng như là phát biểu ý kiến của Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện lại dự thảo Nghị quyết.

16h55: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là văn bản hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Về tính chất hoạt động giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, quy định giải trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, không phải theo giám sát hay pháp luật, tức là không giới hạn.

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, không quy định là 1 phiên nhưng phải quy định là trong chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải có nội dung giải trình. Còn vấn đề có bao nhiêu tùy thuộc vào Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong quá trình làm có thể chia thành từng quý, từng tháng hoặc đột xuất, phát sinh hoặc UBTVQH giao. Quy trình của các vấn đề này phải khác nhau. Liên quan đến các vấn đề Ủy ban Pháp luật đã giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp thu ý kiến. 

Liên quan đến kết luận tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định phải kết luận tại phiên giải trình, không kết luận tại phiên họp thêm. Đồng thời UBTVQH đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội, cơ quan Văn phòng Quốc hội cùng với Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp, trong đó Văn phòng Quốc hội chủ trì biên soạn về mặt kỹ thuật, kèm theo Báo cáo tiếp thu giải trình ngắn gọn trình UBTVQH bằng văn bản cho ý kiến. 

Với 100% Ủy viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác