PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ KHAI MẠC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)
Nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình
Các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đều thể hiện rõ và thống nhất định hướng này; một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng. Để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.
Các đại biểu tại phiên họp
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng dự án Luật dựa trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp; bảo đảm phân cấp, phân quyền hợp lý; tiếp tục xã hội hóa, giảm tải cho bộ máy nhà nước; đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội; đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội; tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; công chứng viên là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm để cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện.
Hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng quốc tế; bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.
Đảm bảo không kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, không phát sinh thủ tục mới
Thẩm tra dự án luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc xây dựng luật cũng hướng đến bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành
Việc sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Về Hồ sơ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, các chính sách thể hiện trong dự thảo Luật đều thống nhất với các chính sách được đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật kèm theo Tờ trình số 47/TTr-CP ngày 28/02/2023 của Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể của Hồ sơ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm nâng cao chất lượng Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), cụ thể là: Rà soát các nội dung của dự thảo Luật để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách đầy đủ, bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nội dung của dự thảo Luật.
Trong đó, cần rà soát các thủ tục hành chính để làm rõ sự cần thiết và tính hợp lý của việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục này theo nguyên tắc không kéo dài thời gian thực hiện so với quy định pháp luật hiện hành, không đặt ra thủ tục mới; Báo cáo tổng kết thi hành Luật cần tiếp tục bổ sung một số thông tin, số liệu chứng minh làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách mới; Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cần làm rõ cơ sở giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng không quá 70 tuổi đối với cả nam và nữ .
Dự thảo Luật có 14 nội dung giao Chính phủ, 09 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết. Tuy nhiên, kèm theo Hồ sơ dự án Luật mới có 01 dự thảo Nghị định quy định chi tiết. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo Hồ sơ dự án Luật; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số nội dung được giao trong dự thảo Luật nhưng chưa được quy định chi tiết trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Công chứng…