Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông

30/09/2024

Vừa qua, tại Phiên họp thứ 37, xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần chú trọng nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung Kỳ họp thứ 8

Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023

Theo Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả còn có phần hạn chế. Bên cạnh đó, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thực sự phù hợp với đặc điểm từng loại đối tượng, địa bàn, chưa gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa giao thông tại địa phương, chưa theo sát được những vấn đề “nóng” mà xã hội đang quan tâm, chưa phát huy hiệu quả truyên truyền trên các công cụ truyền thông mới; nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao.

Đặc biệt là ở cơ sở, khu vực nông thôn, miền núi, việc lồng ghép việc thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”, gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” chưa chuyển biến tích cực. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương cũng như giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ có nơi chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, chưa tạo được sự thống nhất trong triển khai thực hiện.

Việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ của nhiều gia đình còn xem nhẹ, còn giao xe cho người chưa đủ tuổi, đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa thực sự hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần phân tích làm rõ, đánh giá kỹ lưỡng về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông giai đoạn vừa qua. Trong đó, nêu rõ những chuyển biến, kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế;  đánh giá nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân?

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội vừa thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm... Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần thực hiện tốt, để người tham gia giao thông nắm rõ, tuân thủ và nâng cao ý thức chấp hành.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Nêu quan điểm về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, đây là công tác quan trọng, thời gian qua đã được nhắc tới nhiều tuy nhiên cần có sự đổi mới hơn nữa trong nội dung, hình thức tuyên truyền để đạt hiệu quả cao. Cụ thể, việc tuyên truyền phải xây dựng cho phù hợp với từng đối tượng, từng nhóm.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, trong tuyên truyền đối với nhân dân tại các khu phố, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên; nên đưa thành văn hóa, một chỉ tiêu mang tính chất đạo đức, đánh giá. Đối với đối tượng là công chức, viên chức và người lao động, vừa qua Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg, do đó cần quyết tâm thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa, lượng hóa để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức...

Ngoài ra, đối với đối tượng là học sinh, sinh viên, đặc biệt đối với học sinh đang học trong các trường THPT, tiểu học, đề nghị không chỉ phổ biến mà nghiên cứu nên đưa thành một môn giáo dục về vấn đề an toàn giao thông, tức là đưa Luật Trật tự, an toàn giao thông và các luật liên quan vào trường học. Từ đó, hình thành thói quen, xây dựng ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về giao thông; xây dựng văn hóa giao thông ngay từ trong trường học.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Cơ bản đồng tình với hạn chế được Đoàn Giám sát chỉ ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, một trong những nguyên nhân của mất trật tự, an toàn giao thông và tai nạn giao thông là ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, đề nghị, trong báo cáo của Đoàn giám sát cũng cần phân tích, nhấn mạnh thêm về ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông chưa được chấp hành tốt.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, ý thức tham gia giao thông của người dân cần phải đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng hơn, có chuyển biến hay không?. Trong thời gian vừa qua, về hạ tầng chúng ta được đầu tư mới, phương tiện tham gia giao thông ngày càng tốt hơn, mặc dù các vụ tai nạn giao thông diễn ra có giảm nhưng vẫn rất nhiều. “Khi có lực lượng tuần tra kiểm soát, cảnh sát giao thông đứng ở các chốt trạm thì người tham gia giao thông chấp hành nghiêm, nhưng không có lực lượng cảnh sát giao thông ở đó thì sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đi vào đường cấm. Thậm chí trên các tuyến đường cao tốc bây giờ còn trường hợp dừng đỗ ngay giữa đường cao tốc, đi lùi, đi ngược chiều trên đường cao tốc,..”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông phải được thực hiện thường xuyên, rộng rãi, phù hợp với các tầng lớp Nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng loại đối tượng, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội,... Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thông tin, truyền thông, Mặt trật Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, nhà trường và gia đình trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông./.

Lê Anh