Đề xuất áp dụng một mức thuế ưu đãi chung cho tất cả các loại hình báo chí

30/09/2024

Để hỗ trợ các cơ quan báo chí hoạt động trong điều kiện nguồn thu từ quảng cáo đang bị thu hẹp, Bộ Tài chính và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi cho các cơ quan báo chí, trong đó có ý kiến đề nghị áp một mức thuế ưu đãi chung cho tất cả các loại hình báo chí. Đề xuất này cũng được yêu cầu đưa vào dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư trong giai đoạn mới

Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 04 chương, 20 điều, đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới nếu đủ điều kiện, yêu cầu đặt ra. Một trong những điểm mới của dự án Luật là bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.

Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng chính sách thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, trong đó có báo in (ảnh minh họa: Internet)

Theo kiến nghị của các cơ quan báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh loại hình báo in, cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí khác (báo nói, báo hình, báo điện tử) để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân.

Hiện nay, nguồn thu của báo chí còn dựa vào quảng cáo, Tuy nhiên, cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, nhất là truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển bùng nổ dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo dành cho các cơ quán báo chí sụt giảm mạnh trong những năm gần đây.

Trước tình hình nguồn thu của hoạt động báo chí không còn nhiều do suy giảm nguồn thu từ hoạt động báo in cũng như nguồn thu từ hoạt động quảng cáo nói chung, việc hạch toán riêng các nguồn thu để kê khai, nộp thuế… ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng chính sách thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh nên các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn

Liên quan đến nội dung trên, tại buổi họp báo thường kỳ Quý 3 năm 2024 do Bộ Tài chính mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, cơ quan này đang xem xét các phương án hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí. Việc điều chỉnh thuế suất nhằm mục tiêu giảm bớt khó khăn cho ngành báo chí, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy giảm về nguồn thu quảng cáo.

Trước đây, các cơ quan báo in đã được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 10%, tạo điều kiện cho loại hình báo chí truyền thống hoạt động trong một môi trường tài chính thuận lợi hơn.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính)

Tuy nhiên, theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), trong thời gian gần đây, tình hình tài chính của toàn bộ các cơ quan báo chí, bao gồm cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đều gặp khó khăn lớn. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh mẽ trong nguồn thu từ quảng cáo – một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của ngành báo chí.

Mặt khác, hiện nay, theo quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, trừ báo in, phải chịu mức thuế suất phổ thông là 20%. Mức thuế này đã tạo ra sự chênh lệch giữa các loại hình báo chí, gây khó khăn cho báo điện tử và các loại hình khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn thu.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và xây dựng các phương án ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ tất cả các loại hình báo chí, không chỉ báo in. Cụ thể, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được giữ nguyên như hiện hành.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, đề xuất mức thuế suất ưu đãi 15% đối với các loại hình báo chí khác ngoài báo in đã được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm sự tương quan với các ngành nghề khác. Mức thuế này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện tại, vừa đảm bảo tính công bằng giữa các ngành, vừa giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính.

Với đề xuất điều chỉnh trên, Bộ Tài chính mong muốn tạo sự bình đẳng hơn trong chính sách thuế đối với tất cả các loại hình báo chí, đồng thời khuyến khích sự phát triển của báo chí trong thời đại số hóa và chuyển đổi số. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% vẫn sẽ được duy trì, trong khi các loại hình báo chí khác sẽ được hưởng mức thuế 15%.

Tạo sự cân bằng và công bằng trong môi trường báo chí

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, tại Phiên họp thứ 37 thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã nêu ý kiến về sự khó khăn của các cơ quan báo chí hiện nay, đặc biệt là báo điện tử. Theo đó, trong khi báo in được hưởng mức thuế ưu đãi 10% thì các cơ quan báo điện tử không được hưởng ưu đãi tương tự, dẫn đến tình trạng khó khăn tài chính cho các cơ quan này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ ra rằng, hiện nay, các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo. Tuy nhiên, “miếng bánh” quảng cáo dành cho báo chí đã bị thu hẹp đáng kể, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, tất cả các loại hình báo chí, từ báo in, báo điện tử đến phát thanh và truyền hình, đều là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan Nhà nước. Do đó, các loại hình này nên được hưởng ưu đãi thuế tương đương với báo in, nhằm tạo sự cân bằng và công bằng trong môi trường báo chí.

Trước những ý kiến đóng góp đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Có ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Tư pháp về dự thảo luật mới và đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách tham gia trong quá trình nghiên cứu. Sau khi hoàn chỉnh thì Chính phủ gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại trong Phiên họp tháng 10.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp bố trí thời gian, tổ chức việc nghiên cứu có thể thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học để đề xuất cách thức, phương pháp tiếp cận mới trong việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế, phí và các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nói chung; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước./.

Bích Lan