• Tin Đoàn Đại biểu Quốc hội
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quản lý ngoại thương

    09/01/2017

    Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIV, chiều 9/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý ngoại thương.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung thảo luận                              Ảnh: Đình Nam

    Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật quản lý ngoại thương. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật này. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 118 điều, trong đó thêm 3 điều, gộp 2 điều thành 1 điều và bổ sung một số điểm, khoản.

    Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Quản lý ngoại thương, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đó là không đưa dịch vụ vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật vì nếu đưa vào sẽ có nhiều khó khăn trong công tác quản lý, do lĩnh vực dịch vụ rất rộng, đã có nhiều luật chuyên ngành điều chỉnh.

    Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ được thực hiện thông qua 2 phương thức: Một là, cung cấp qua biên giới, trong đó, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau. Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Hiện nay, Việt Nam và nhiều nước khác sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ và các biện pháp này đều được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

    Về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, đa số ý kiến cho rằng thẩm quyền tập trung tại Bộ Công Thương quá nhiều, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, công bằng, có cơ chế kiểm soát, giám sát; cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan; quy định rõ ràng và mạnh dạn phân cấp cho các địa phương để phát huy tốt vai trong quản lý ngoại thương.

    Tiếp thu nội dung này, Ủy ban Kinh tế đã chỉnh lý các nội dung theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương.

    Về Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, đa số ý kiến tán thành giao Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng và ban hành. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế. Trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc áp dụng, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, sức khỏe, môi trường, thuần phong mỹ tục, an ninh lương thực, cổ vật… Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật

    Về thẩm quyền áp dụng tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, Ủy ban kinh tế cho rằng, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu là một biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương trong một thời điểm nhất định và có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian này, hàng hóa sẽ được nhập khẩu hoặc xuất khẩu bình thường. Do có tính thời điểm rất cao nên việc áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu phải được quyết định theo một quy trình nhanh chóng, kịp thời bảo vệ lợi ích chung. Ủy ban kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo Luật, đó là Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, trừ trường hợp luật có quy định khác.

    Về vấn đề phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài, hiện có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng không quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật. Tuy nhiên loại ý kiến thứ hai lại cho rằng cần thiết quy định về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật.

    Thảo luận tại cuộc họp, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với 4 trong 5 vấn đề mà Ủy ban Kinh tế nêu ra trong báo cáo. Riêng về vấn đề phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài quy định tại điều 109 của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều Ủy viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định việc thành lập mới tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương ở nước ngoài tại dự thảo Luật này. Vì cần phải có sự đánh giá hiệu quả của cả quá trình vừa qua và có chiến lược phát triển thương mại rõ ràng cụ thể, chứ không nên đưa định tính như trong dự thảo Luật hiện nay.

    Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần rà soát lại và bổ sung thêm những quy định chặt chẽ để bảo vệ hàng hóa trong nước; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước khi có tranh chấp bản quyền sản phẩm với  nước ngoài.

    Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống như ý kiến của Ủy ban Kinh tế; về trách nhiệm quản lý ngoại thương đề nghị giao cho Bộ Công thương chủ trì và quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công thương về vấn đề này. Đối với danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quy định; đồng thời nhất trí việc áp dụng tạm dừng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc thẩm quyền Bộ Công thương.

    Đặc biệt, về khoản 2, điều 109 của Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thống nhất với quy định thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại mới thuộc Bộ Công thương tại nước ngoài. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo biên soạn lại theo tinh thần Nhà nước khuyến khích, ủng hộ tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia tổ chức thương mại tại nước ngoài nhưng phải theo sự quản lý của Nhà nước.

    Đặng Mai