Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua; ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội; chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban Quốc phòng, An ninh, về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15), dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí”;
Phương án 2: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1 dự thảo Luật như Chính phủ trình; tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung này theo hướng thực hiện phương án 1.
Qua tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với phương án 1 dự thảo Luật mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, tại Công văn số 3590/VPCP-PL “Thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ giữ một phương án là phương án 2. Theo đó, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Nhất trí với ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, điều 15 dự thảo Luật quy định về Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Tuy nhiên, theo điều 3 dự thảo Luật: “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo có khả năng sát thương, gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. Vũ khí gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.” Vậy mà chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sản xuất là không đúng. Trong xã hội có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất những dụng cụ như thô sơ như cung, nỏ, phi tiêu, dao găm, kiếm, giáo, mác. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị thay từ “vũ khí” bằng từ “vũ khí quân dụng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, để đại biểu Quốc hội có căn cứ lựa chọn, cần phải tổng kết pháp lệnh hiên hành và có đánh giá phân tích trên cơ sở thực tiễn về ưu điểm và nhược điểm của từng phương án.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Hiến pháp đã quy định là Công nghiệp Quốc phòng, An ninh nhưng ở nước ta, không phải ngành công nghiệp này sản xuất ra tất cả những loại vũ khí quân dụng cho cả ngành bộ đội và công an. Trong thực tế ngành công an có đặc thù riêng, do đó Chính phủ chọn phương án 2 để tận dụng hết năng lực sản xuất của công nghiệp quốc phòng. Nhưng khi cần thiết phải nhập khẩu những vũ khí phục vụ cho lực lượng công an thì Chính phủ sẽ quy định. Phương án 2 không loại bỏ vai trò của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an trong hoạt động nghiên cứu chế tạo, sản xuất, kinh doanh sửa chữa hay xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, nhưng do xuất phát đặc thù của ngành Công an nên Chính phủ sẽ quy định cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và linh hoạt hơn trong thực tiễn.
Tuy nhiên, phương án 1 lại tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, Bộ Công an vẫn có thể triển khai các hoạt động nghiên cứu chế tạo, sản xuất, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Cho rằng, cả 2 phương án đều phù hợp với Hiến pháp, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội chọn phương án 1 như ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh để tạo cơ sở thuận lợi, không để một nền công nghiệp mà lại do cả Luật quy định và Chính phủ quy định.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, do còn có nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý giữ cả 2 phương án để xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.