Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trình bày báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nội dung chương trình giám sát đề ra cho năm 2017 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ bản phù hợp, bám sát với tình hình thực tế, nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội và đang được triển khai tích cực, khẩn trương để kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 theo kế hoạch. Trong đó, các nội dung giám sát chuyên đề đều là những nội dung bức xúc, nổi lên trong đời sống xã hội, thiết thực đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận cả nước ghi nhận. Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát thường xuyên như giám sát văn bản quy phạm pháp luật, xem xét các báo cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch, đóng góp vào kết quả giám sát chung của Quốc hội.
Thực hiện quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, trong năm 2018, Tổng thư ký Quốc hội dự kiến đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2018; Hội đồng dân tộc giám sát không quá 3 chuyên đề, các Ủy ban của Quốc hội giám sát không quá 2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên để được dựa trên các tiêu chí cơ bản gồm: Một là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tâm vĩ mô hoặc ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Hai là không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Ba là bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực. Bốn là phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của cơ quan của Quốc hội.
Qua tổng hợp kiến nghị của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ban, Viện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất nội dung đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2018, Tổng thư ký tổng hợp được 196 nội dung kiến nghị với 8 nhóm nội dung chính liên quan đến pháp luật; hoạt động tư pháp; kinh tế; tài chính – ngân sách; xã hội và dân tộc; văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, thể thao, du lịch; về khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường, công trình quan trọng quốc gia; quốc phòng – an ninh, đối ngoại, dân nguyện.
Trên cơ sở đó, Tổng thư ký Quốc hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung giám sát cụ thể để trình Quốc hội gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; Việc thực hiện Luật thủ đô; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công với Cách mạng.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội, tán thành với nhiều nội dung của báo cáo như việc khái quát về thực hiện chương trình giám sát năm 2017, dự kiến chương trình giám sát năm 2018, các tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát. Đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp bày tỏ nhất trí với nội dung giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho ý kiến về dự kiến nội dung chương trình giám sát
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lý giải, vấn đề sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là vấn đề bức xúc hiện nay, thực tế có nhiều điểm bất cập trong tổ chức thực hiện dẫn đến lạm dụng, vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước. Trong khi đó, vấn đề an toàn giao thông đã được kiến nghị giám sát nhiều lần, thực tế tình hình vi phạm trật tự an toan giao thông không có dấu hiệu giảm khi mà số lượng người chết, bị thương và tàn tật vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị bổ sung nội dung giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em để trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp tới. Vấn đề về bạo hành trẻ em đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức giám sát từ năm 2012 tuy nhiên tình hình không mấy được cải thiện mà có dấu hiệu tăng thêm. Thực tế, vì những lí do khác nhau về tâm lý nên các con số thống kê không phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em. Qua đối chiếu với các tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát cho thấy vấn đề này thỏa mãn tất cả các tiêu chí đề ra như là vấn đề bức xúc trong xã hội, gắn với các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em được quy định trong Hiến pháp, Luật trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình và nhóm các luật tư pháp. Nhấn mạnh các vấn đề được đề xuất đều là những vấn đề bức xúc cần được giám sát nhưng vấn đề là lựa chọn giám sát ở tầm nào, kéo theo mức độ tác động và ảnh hưởng sau giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga đề xuất vấn đề về bạo hành, xâm hại trẻ em nên được giám sát ở tầm tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cho ý kiến về chương trình giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị thêm một nội dung là việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và trên một số lĩnh vực. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đánh giá thực hiện ở các xã nghèo đặc biệt khó khăn mới được thực hiện nhưng tình hình tổng thể về thực hiện chính sách chung đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều tồn tại. Qua tiếp xúc cử tri ở các huyện miền núi, ở các tỉnh miền núi có sự khác biệt đặc thù rất lớn giữa các khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên hay Duyên Hải Miền Trung, Tây Nam Bộ. Do vậy cần có đánh giá trong nhiệm kỳ chính sách tổng thể cho khu vực này nhằm kịp thời tham mưu về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bày tỏ nhất trí với kiến nghị bố sung nội dung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với vùng miền núi và dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết thêm, nội dung này chưa có giám sát tối cao. Việc thực hiện giám sát nội dung này sẽ góp phần phục vụ xây dựng và dự kiến sẽ thông qua Luật hỗ trợ phát triển miền núi và dân tộc.
Tán thành với các đề xuất bổ sung nội dung giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên đưa vào chương trình giám sát về trẻ em và chính sách thực hiện đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, qua xem xét báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã có 1.717 vụ năm 2015, năm 2016 là 1.641 vụ, quý I/2017 là 375 vụ bị phát hiện, cho thấy tình hình xâm hại trẻ em là rất đáng lo ngại, chưa kể đến các hình thức xâm hại khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết trên cơ sở đặc điểm tình hình năm 2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với chương trình giám sát như dự kiến về tổng thể dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội là phù hợp. Năm 2018, ngoài việc xem xét các báo cáo dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn và giám sát 2 chuyên đề tại kỳ họp. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9. Hội đồng Dân tộc tiến hành không quá 3 chuyên đề, các Ủy ban từ không quá 2 chuyên đề trở lên. Ủy ban đã chủ trì giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không tổ chức giám sát riêng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và cho rằng hàng năm Quốc hội cần nghe và thảo luận về các báo cáo, trong đó có dự kiến xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, trên cơ sở các tiêu chí đặt ra và danh sách các chuyên đề đề xuất, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm rõ thêm và tập trung vào một số chuyên đề sau: Chuyên đề 1 là việc thực hiện chính sách pháp luật về sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nội dung xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ không đưa vào chuyên đề này. Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Chuyên đề 3 là việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Chuyên đề 4 là phòng chống bạo lực trẻ em. Chuyên đề 5 là thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chuyên đề 4 và 5 là những đề xuất chuyên đề giám sát mới.