Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

13/12/2017

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 19, chiều 13/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì nội dung làm việc.

Theo dòng sự kiện

UBTVQH tổng kết kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 4 đã hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc với nhiều quyết sách quan trọng

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Tiếp nối kết quả của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ và quyết tâm cao, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc với nhiều quyết sách quan trọng, mở ra nhiều cơ hội và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính tranh luận thể hiện ở hầu hết các phiên họp, tạo không khí sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn, để lại ấn tượng và tiếp thêm niềm tin với cử tri và Nhân dân cả nước.

Kết quả kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; trong đó có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo cũng cho rằng việc tổ chức kỳ họp thứ 4 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm như: chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế; nhiều nội dung chưa bảo đảm tiến độ chuẩn bị tài liệu, không kịp gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Việc bổ sung gấp một số nội dung quan trọng vào chương trình kỳ họp vẫn cho thấy sự bị động, cần phải được tất cả các cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm. Một số câu hỏi chất vấn chưa rõ ý, chưa đúng tầm diễn đàn Quốc hội; có Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời một số câu hỏi chưa đi vào trọng tâm vấn đề, còn dàn trải, nhắc lại số liệu, thông tin đã nêu trong báo cáo gửi đại biểu, chậm trả lời chất vấn bằng văn bản. Thảo luận tại hội trường còn tình trạng nhắc lại vấn đề đã được tiếp thu, giải trình; một số nội dung chưa được tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ đầy đủ hoặc chưa được giải trình tiếp thu thật sự thuyết phục...

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ làm việc 20,75 ngày

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ dành 4,25 ngày (tổ: 0,25 ngày; hội trường: 4 ngày) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết; dành 8,25 ngày (tổ: 2,75 ngày; hội trường: 5,5 ngày) cho ý kiến 11 dự án luật. Trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp nên đề nghị tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 4 và Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5

Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ dành 7,25 ngày làm việc (Tổ: 0,75 ngày; hội trường: 6,5 ngày), cụ thể: xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước (tổ: 0,5 ngày; hội trường: 1,5 ngày); thực hiện giám sát chuyên đề (hội trường: 01 ngày); xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019 (tổ: 0,25 ngày; hội trường: 0,5 ngày); Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn (hội trường: 3 ngày); xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có) (0,5 ngày)...Các hoạt động khai mạc, bế mạc, thông qua một số nghị quyết khác là 01 ngày.

Như vậy, dự kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ làm việc 20,75 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-5-2018 (do ngày 20-5 là ngày chủ nhật) và bế mạc vào ngày 18/6/2018, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để bảo đảm thời gian nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiến hành một số công việc cần thiết.

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cao với các nội dung nêu trong Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đặc biệt là việc ghi nhận kỳ họp đã diễn ra với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và đạt nhiều kết quả tốt, được dư luận cử tri nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua Báo cáo, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ quan tâm và đánh giá cao hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp vừa qua. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Báo cáo cần nghiên cứu để đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động này nói riêng cũng như trong các hoạt động khác của Quốc hội, trong đó có việc xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định trong Nội quy kỳ họp Quốc hội. Một số ý kiến khác đề nghị Báo cáo cần rà soát, chỉnh sửa một số lỗi về câu, từ, kỹ thuật văn bản.

Đối với dự kiến tại Kỳ họp thứ 5, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chương trình cần rà soát, bám sát, gắn với việc triển khai những nội dung trong Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua; chủ động phối hợp với Chính phủ để lên các kế hoạch, chương trình; xem xét việc gửi một số tài liệu qua mạng để đảm bảo đúng thời hạn và giúp đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu; khắc phục các hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ kỳ họp...

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV; gửi xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành.

+ Trước đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2017; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020 tại một số nước.

+ Sáng mai- 14/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; xem xét đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi; cho ý kiến về việc sử dụng số vốn kết dư sau khi hoàn thành các dự án đóng tàu Cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội.

Tin: Quang Minh / Ảnh: Quang Khánh