100% KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN QUỐC HỘI ĐƯỢC TIẾP NHẬN VÀ TRẢ LỜI

15/05/2018

Sáng 15/5, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Kết quả giám sát cho thấy tất cả các kiến nghị gửi đến Quốc hội đều đã được tiếp nhận và giải quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện, thông qua tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri. Cụ thể, có 72 kiến nghị của cử tri về hoạt động của Quốc hội;  có 23 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và 1.993 kiến nghị về công tác điều hành của Chính phủ. Các kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trong đó 72/72 kiến nghị của cử tri có nội dung về hoạt động của Quốc hội được các cơ quan của Quốc hội tiếp nhận và trả lời. Có 38/72 kiến nghị gửi đến Quốc hội về việc xây dựng pháp luật và có 34 kiến nghị về hoạt động giám sát.

Tiếp thu nhiều ý kiến cử tri để hoàn thiện hệ thống pháp luật

Nhiều ý kiến của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4 góp ý cho một số dự thảo luật đã được các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu. Cụ thể, đối với dự thảo Luật Quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đã nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh,... về nội dung luật cần thể hiện rõ hơn công tác xây dựng quy hoạch cần phải đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch của các địa phương. Hay đối với dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của cử tri về các quy định liên quan đến hình thức tố cáo, trách nhiệm của cơ quan giải quyết tố cáo, cơ chế bảo vệ người tố cáo vào nhiều điều khoản của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Uỷ ban Tư pháp đã nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk,...đối với dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) về việc cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc kê khai tài sản, mở rộng đối tượng kê khai và công khai bản kê khai tài sản, tịch thu sung công quỹ tài sản không kê khai, kê khai không đúng; có chế tài nghiêm khắc hơn đối với tội danh tham nhũng, hoàn thiện các nội dung có liên quan đến phạm vi đối tượng cần kê khai tài sản, về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, về cơ chế xử lý đối với tài sản không kê khai, kê khai không đúng hoặc không giải trình hợp lý được nguồn gốc của tài sản vào dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Kịp thời giám sát khảo sát những vấn đề nóng

Tiếp thu kiến nghị của cử tri Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, An Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Sóc Trăng, và cử tri nhiều tỉnh thành phố về những bất cập trong việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” (tại kỳ họp thứ 4).

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận 

Tiếp thu kiến nghị cử tri Long An, Hòa Bình, Thái Bình cũng như ý kiến của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội về việc cần quan tâm giám sát việc sử dụng, quản lý vốn và tài sản của Nhà nước, đặc biệt là trong công tác cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp, cử tri lo lắng nguy cơ thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2018 là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.

Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã xây dựng chương trình giám sát đối với 23 chuyên đề về các vấn đề mà cử tri và xã hội đang rất quan tâm như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2017; Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ khóa XIII; Việc thi hành chính sách pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng; Việc thực hiện Luật Giáo dục đại học; Tình hình thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4

Ngoài ra, để đảm bảo tính linh hoạt và kịp thời trong các hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, đáp ứng mong muốn của cử tri trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp, một số vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm đã được một số cơ quan của Quốc hội kịp thời khảo sát để có thông tin để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền như: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học đối với trường Đại học Tôn Đức Thắng; Việc công nhận tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017; việc xây dựng đường dẫn cầu trong khu di sản quần thể văn hóa Tràng An (Ninh Bình),... và kịp thời có báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành khảo sát việc đăng kiểm tàu thủy bằng vật liệu PPC (PolyPropylen Copolyme); Ủy ban về các vấn đề Xã hội tiến hành khảo sát vấn đề về hiện tượng chấm dứt hợp đồng trước 35 tuổi tại một số khu công nghiệp ở 4 tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bắc Ninh; Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã tổ chức phiên giải trình về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020.

Báo cáo của Ban Dân nguyện nhận định, nhiều kiến nghị mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại các Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri từ các kỳ họp trước đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, có tác động tích cực góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc mà cử tri liên tục phản ánh.

Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp

Về kiến nghị của cử tri chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, Bộ Kế hoạch- Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó đáng lưu ý các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày cho thuê (đối với dự án đặc biệt); được hỗ trợ 20% kinh phí tập trung đầu tư, hỗ trợ tín dụng. Đây là điểm rất mới mang tính chất đột phá thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Qua ý kiến nhận xét, đánh giá của 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội về công tác giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho thấy, các cơ quan này đã thực hiện rất nghiêm túc, đúng hạn trong việc trả lời toàn bộ các kiến nghị cử tri, đảm bảo chất lượng, trả lời đúng và trúng các nội dung kiến nghị mà cử tri nêu./.

Bảo Yến - Đức Phương

Các bài viết khác