CẦN CÓ ĐÁNH GIÁ TÍCH CỰC VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

16/05/2018

Sáng 15/5, theo chương trình phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội

Theo dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, cử tri và Nhân dân ghi nhận những kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng nông dân bỏ ruộng do gặp nhiều khó khăn về nguồn nước, giá vật tư nông nghiệp cao; việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp còn chậm, năng suất hiệu quả sản xuất thấp; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng “được mùa mất giá” chưa được cải thiện. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tới sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần nhìn nhận tình hình sản xuất kinh doanh nông sản theo cơ chế thị trường

Thảo luận tại phiên họp, bày tỏ đồng tình với nội dung tổng hợp liên quan đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân của dự thảo báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nhận định "đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn" là  rất đúng nhưng "tình trạng được mùa mất giá chưa được cải thiện" cần phải có nhìn nhận theo cơ chế thị trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, phải thấy được rằng sức sản xuất nông nghiệp của ta rất lớn, thị trường mở rất mạnh. Riêng lĩnh vực xuất khẩu trên 38 tỷ đôla, trong đó rau củ quả là 4 tỷ đôla và hướng tới là 40 tỷ đôla. Tuy nhiên, khi đã được mùa, tức là cung tăng, trong lúc cầu chưa mở rộng ra thì câu chuyện được mùa mất giá, gần như là tất yếu của một nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, khi sức sản xuất của chúng ta lớn như hiện nay,  cùng với không còn quy hoạch sản phẩm dù chúng ta mở rộng thị trường thì cũng có tác động nhất định đến giá cả. Vì vậy, chúng ta cần mở rộng thị trường như thế nào cũng là một việc cần cân nhắc trong nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần phải nhìn nhận lại chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng, nếu diện tích 1 hécta ở Tây Nguyên người dân sản xuất theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và các ngành kỹ thuật thì thu nhập giá trị trên 3 tỷ, trồng 3 loại cây, cà phê, bơ và ca cao. Tại Mộc Châu, vùng trồng chanh leo, giá trị sản xuất ở đây từ 300-320 triệu/hécta. Nhìn lại những vùng chuyên trồng cây lúa, vùng đó ấn định quy hoạch sử dụng đất trồng lúa thì được từ 70-90 triệu. Hay như 1 hécta xoài đến nay giá trị sản xuất trung bình khoảng 344 triệu, lợi nhuận có thể lên đến 144 triệu. Nuôi 1 hécta cá tra nếu không rủi ro về kỹ thuật nuôi 1 năm được 1,5 vụ thì người nông dân sẽ đạt được số doanh thu khổng lồ là 15 tỷ, lợi nhuận mang lại 3,5 tỷ/năm. Trồng hoa ở Đà Lạt mới có khả năng tạo ra loại vài chục tỷ một năm của một hécta đâu. Vì vậy, vấn đề này nên nghiên cứu sâu hơn, các ngành có trách nhiệm phải tái cơ cấu một cách rõ ràng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, năm qua vấn đề được mùa mất giá cũng có ý kiến nhưng  không nhiều lắm, thì phần trăn trở nhất là chúng ta nên nhìn lại chính sách để tháo gỡ cho người dân và có trách nhiệm với người dân. Qua đó, xem xét nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất, mô hình quản lý và thiết lập được quan hệ sản xuất một cách bền vững, gần như không rủi ro.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị cần có đánh giá tích cực về tình hình sản xuất, đời sống của bà con nông dân

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri ở nhiều địa phương thấy được rằng tinh thần chung là bà con, cử tri phấn khởi hơn, những kiến nghị, đề xuất tích cực nhiều hơn những vấn đề tiêu cực. Cụ thể, thời gian qua giá gạo Việt Nam không những thua các nước, thậm chí còn cao hơn các nước; giá các loại hoa, quả, thực phẩm cũng tăng hơn khiến bà con nông dân, cử tri phấn khởi hơn. Đặc biệt về nông nghiệp chưa có bao giờ giá cả thuận lợi như thời gian vừa qua. Đây cũng là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, giá tăng còn do bà con tự ứng dụng khoa học, công nghệ như đối với cây sầu riêng, thanh long ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị dự thảo báo cáo cần có thêm phân tích, đánh giá tích cực hơn để khích lệ bà con nông dân./.

Bảo Yến