TẬP TRUNG THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

18/07/2018

Ngày 18/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác , xây dựng pháp luật năm 2018. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng chủ trì Hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày Báo cáo tại Hội nghị

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính từ thời điểm này đến kỳ họp Quốc hội thứ 6(tháng 10/2018) và năm 2019, nhiệm vụ xây dựng pháp luật vô cùng nặng nề, khối lượng công việc phải thực hiện là rất nhiều, thậm chí là quá tải đối với một số cơ quan, trong khi đó kế hoạch bổ sung, điều chỉnh Chương trình chưa rõ ràng.  Do đó đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải hết sức nỗ lực, đề cao trách nhiệm, tính toán kỹ càng, cân đối trong từng giai đoạn cụ thể của Chương trình. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thì  mới có thể hoàn thành đúng, đủ, kịp thời nhiệm vụ được giao.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm  quan tâm, tập trung thực hiện một số giải pháp:

 Chuẩn bị thật kỹ việc đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình phải có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung, các chính sách trong dự án. Theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ thảo luận và biểu quyết thông qua chính sách trong từng đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh và có nghị quyết của Chính phủ trong hồ sơ đề xuất của dự án đưa vào Chương trình.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình, Báo cáo đề nghị công tác tổng kết phải làm từ sớm, thực chất, bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy định tại Điều 34 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo tổng kết phải có số liệu cụ thể phản ánh được tình hình của địa phương và trung ương.

Báo cáo cũng nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến thực hiện theo đúng quy định tại Điều 36 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong hồ sơ trình Quốc hội,Thường vụ Quốc hội phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp  và bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức; khắc phục triệt để tình trạng không có ý kiến hoặc văn bản góp ý có nội dung quá sơ sài, không rõ chính kiến.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tăng cường vai trò và đề cao trách nhiệm của Cơ quan soạn thảo

 Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, cơ quan được phân công soạn thảo cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ nội dung, lộ trình soạn thảo xây dựng các dự án được giao phụ trách; sớm thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để chuẩn bị dự án; thực hiện nghiêm các quy định về tiến độ, thời hạn; khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ và các tài liệu có liên quan đến cơ quan thẩm định, Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Báo cáo cũng khẳng định, trong quá trính chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nếu đề xuất bổ sung chính sách mới vào dự án thì thực hiện đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Hạn chế những nội dung giao quy định chi tiết trong dự thảo luật; không ủy quyền quy định chi tiết; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đề nghị cơ quan soạn thảo phải chú trọng đến một số vấn đề cụ thể như: các tài liệu quan trọng đề xuất phải là văn bản chính thức, có chữ ký và đóng dấu; hồ sơ đề xuất xây dựng luật của Chính phủ trình phải được Chính phủ xem xét, thông qua, không chỉ đơn thuần là hồ sơ của cơ quan soạn thảo.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đặc biệt chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng văn bản từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi thông qua dự án; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, chất lượng, tiến độ trình các dự án do cơ quan mình chủ trì và phải có mặt tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời báo cáo, giải trình khi được yêu cầu./.

Hồ Hương

Các bài viết khác