UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GDĐH

12/09/2018

Sáng 12/9, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại Phiên họp Thường vụ Quốc hội lần thứ 26, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã báo cáo dự thảo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Thường trực Ủy ban đã trao đổi, làm việc thống nhất với Ban soạn thảo về các nội dung của dự thảo Luật.

Khái niệm, tên gọi các cơ sở GDĐH được quy định rõ

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã quy định rõ khái niệm, tên gọi các cơ sở GDĐH, bổ sung việc giải thích một số thuật ngữ; phân biệt rõ loại hình cơ sở GDĐH theo sở hữu và theo chức năng, trên cơ sở đó quy định chính sách phù hợp với từng loại hình trường.

Liên quan đến khái niệm học viện, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở GDĐH đã được hình thành và tồn tại trong thực tiễn. Về bản chất, không có sự khác biệt giữa học viện và trường đại học từ mô hình, cơ cấu tổ chức cho tới chức năng, sứ mệnh và do vậy, các cơ sở này vẫn áp dụng chung một định chế, khuôn khổ pháp lý giống như trường đại học. Việc đổi tên để thống nhất tên gọi là trường đại học đối với các cơ sở GDĐH này thực sự không cần thiết vì có thể gây xáo trộn về tâm lý, phát sinh những chi phí xã hội không đáng có mà không làm thay đổi bản chất. Ở các quốc gia trên thế giới, tên gọi của cơ sở GDĐH cũng rất phong phú, không có sự thống nhất hay đồng  nhất. Vì vậy, dự thảo Luật quy định học viện chỉ là tên gọi và được chế định chung với trường đại học.

Thống nhất nội dung về hệ thống cơ sở giáo dục đại học

Về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở thực tiễn của hệ thống cơ sở GDĐH Việt Nam hiện nay, để bảo đảm tính ổn định, kế thừa các quy định của Luật hiện hành cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển của các nhà trường tiệm cận với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo đã thống nhất quy định tại Dự thảo hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học và đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo

Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống GDĐH là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.

Dự thảo Luật quy định các Trường đại học có thể tự lớn mạnh và thành lập các trường trực thuộc bên trong (với điều kiện, tiêu chuẩn do Chính phủ quy định) hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được nhà nước quy định, kết hợp, sáp nhập với nhau trên cơ sở có cùng chức năng, sứ mệnh để trở thành một Đại học như thể hiện trong Dự thảo Luật. Đại học có các Trường Đại học thành viên, Trường, Viện và các đơn vị trực thuộc khác nhằm gia tăng giá trị của toàn hệ thống.

Dự thảo Luật cũng quy định các nguyên tắc, cơ chế và hoạt động của Trường Đại học và Đại học.

Đảm bảo kế thừa và đổi mới

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đánh giá dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học đã tiếp thu tương đối đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri và được hoàn thiện khá hoàn hảo, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, nhìn chung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã đảm bảo được yêu cầu kế thừa và đổi mới để phát triển hệ thống giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo rà soát và làm rõ thêm một số khái niệm và cách sử dụng từ ngữ tại Điều 7 của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Một số ý kiến đại biểu đề nghị Ủy ban thẩm tra và cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp, rà soát kỹ nội dung và kỹ thuật văn bản, bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các nội dung thể hiện trong Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đồng thời nhấn mạnh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cần có những quy định đảm bảo tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế của hai trường Đại học quốc gia, nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo không để tạo ra sự xáo trộn lớn trong hệ thống giáo dục đại học nước ta hiện nay.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đại biểu tại Hội nghị đại biểu chuyên trách vừa qua. Để dự án Luật được hoàn chỉnh hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp để rà soát, chuẩn hóa hơn nữa các thuật ngữ sử dụng trong dự thảo luật, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt; hoàn thiện các nội dung để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Thu Phương- Nhóm ảnh