MỘT SỐ HÌNH ẢNH THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI)

12/09/2018

Sáng ngày 12/9, tiếp tục Phiên họp thứ 27, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo Tờ trình dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày, dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã được nêu trong các Nghị quyết của Đảng...

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ đánh giá hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được chuẩn bị tương đối công phu; tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Trình bày Báo cáo tóm tắt về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Dự luật được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối một số nội dung khác.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tác động của các chính sách mới đối với ngân sách nhà nước, trong khi Luật Giáo dục sửa đổi vẫn xác định dành tối đa là 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục nhưng lại mở ra nhiều chính sách mới có liên quan về ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đối với những chính sách mới có liên quan đến tài chính, ngân sách thì cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, có lộ trình nhất định để đảm bảo cho nguồn ngân sách quốc gia hiện đang còn eo hẹp.

Cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, mục tiêu cuối cùng của nền giáo dục là vì con người, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quan điểm này trong dự thảo Luật.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, hiện nay cử tri hết sức bức xúc với việc Sách giáo khoa sử dụng một lần, gây lãng phí và đề nghị trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này cần quan tâm tới nội dung trên.

Tham dự phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình một số vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và đào đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật này đảm bảo vừa mang tính quy phạm vừa mang tính khả thi khi đi vào cuộc sống.

Trọng Quỳnh