PHẢI BẢO ĐẢM TÍNH ỔN ĐỊNH, THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

14/09/2018

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/9, thảo luận về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện việc sửa đổi luật nhiều dẫn đến thiếu tính ổn định, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn trước tính thiếu ổn định trong hệ thống pháp luật hiện nay

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn trước thực trạng hệ thống pháp luật của chúng ta thiếu ổn định. Nếu pháp luật không ổn định sẽ ảnh hưởng đến nhiều việc, chính sách, về tâm lý, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dường như các bộ, ngành có tâm lý khi làm việc gì đó đụng đến luật thấy vướng là đề nghị sửa luật ngay, khi thấy vướng thì nghĩ ngay đến sửa luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thay đổi thì đúng nhưng phải có tính ổn định tương đối của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, trong các kỳ họp Quốc hội số lượng luật phải sửa đổi trong số các luật cho ý kiến và thông qua chiếm tỷ lệ khoảng 60% - 70%. Dự kiến kỳ họp 6 tới đây, có đến 9/15 luật thông qua và cho ý kiến là luật sửa đổi hoặc bổ sung, sửa đổi một số điều. Trong khi đó, cần phải triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa những chủ trương, chính sách, nghị quyết mới của Đảng, Nhà nước chưa được đáp ứng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, đây là vấn đề phải khắc phục được trong thời gian tới.

Có cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải chấn chỉnh trong công tác lập pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, điều đáng mừng là hệ thống pháp luật được sửa đổi thường xuyên để đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, nhưng cũng rất lo sự phá vỡ của một số luật dẫn tới tính thống nhất không đảm bảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, qua thảo luận dự án Luật Giáo dục tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy dự án Luật có chính sách mới trong đó có những chính sách đòi hỏi những khoản chi tiêu liên quan ngân sách, tác động ngân sách trong điều kiện ngân sách đang khó khăn như hiện nay. Việc ban hành chính sách mới là cần thiết nhưng phải tạo điều kiện cân bằng được ngân sách, còn chính sách mới đưa ra để thực hiện cơ chế bao cấp thì có cần thiết không?

Cùng với đó là thực trạng một luật tác động nhiều luật cũng rất đáng lo. Như chỉ riêng dự án Luật Giáo dục mà đề cập đến thuế, chính sách tiền tệ cho vay, miễn giảm, các cơ chế có liên quan đến một ngành nhưng tác động đến các lĩnh vực khác, chỉ thiếu không có Luật Hình sự trong này. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tế này là do khâu phối hợp trong xây dựng pháp luật không đảm bảo nên mỗi bộ, mỗi ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những vấn đề có lợi cho quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành đó nhưng không nhìn đến tổng thể chung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng khâu yếu nhất hiện này là tổ chức thực hiện pháp luật

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hệ thống pháp luật khá đầy đủ, toàn diện, nhưng quan trọng nhất là do tổ chức thực hiện chưa tốt nên cứ vướng mắc là lại phải sửa, trong khi vướng mắc do tổ chức thực hiện mà không phải do sự không hợp lý, không hoàn thiện của luật. Như trường hợp Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng nếu chúng ta cứ làm tốt luật cũ, cộng với hệ thống pháp luật liên quan như Luật Chống rửa tiền, Luật Thuế, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng góp phần trong công tác chống tham nhũng nhưng 3 khóa rồi đều sửa, đến nay lại sửa không rõ sửa có giải quyết được không.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sự sửa đổi liên tục không bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, nhiều luật tồn tại không quá 5 năm. Nếu chỉnh sửa thì chỉnh sửa những gì thật sự chín muồi. Nếu sửa theo dạng chạy theo số lượng, đánh giá sự cần thiết chưa kỹ, đưa vào chương trình rồi lại rút ra, công tác chuẩn bị chưa tốt thì không đảm bảo, sửa đổi bổ sung liên tục gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Điều quan trọng là đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tập trung vào những luật để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Những luật nào mà hiện nay trong Hiến pháp năm 2013 quy định mà còn thiếu cần cố gắng tập trung; những luật tốt rồi, có một vài điểm khiếm khuyết không đáng kể thì cố gắng làm tốt.

Tán thành với ý kiến và đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phân tích thêm, hiện nay có xu hướng, luật sau sửa đổi sẽ lồng ghép vào đó là ưu đãi thuế; tăng chính sách; các loại phí, quỹ, ngành nào cũng đề ra phải có quỹ riêng; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm dẫn đến muốn tăng chế tài trong khi không thực sự cần thiết. Như ngành giáo dục đề xuất trong dự thảo Luật Giáo dục quy định bố trí 20% ngân sách nhà nước thì cơ sở nào để xác định tỷ lệ đó trong bối cảnh ngân sách thường xuyên biến động. Xu hướng quốc tế không quy định tỷ lệ % hay theo danh mục mà quản lý theo mục tiêu, chương trình, theo hiệu quả đầu ra. Nếu quy định cứng một tỷ lệ ngân sách, ngành nào cũng quy định tỷ lệ và phải ưu tiên hàng đầu sẽ trái với các thông lệ quốc tế và trái với mục tiêu quản lý ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề xuất tư duy mới trong soạn thảo, sửa đổi luật  

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, sau 20 năm làm luật liên tục thì hệ thống pháp luật về cơ bản đã đầy đủ, điều chỉnh mọi hoạt động của xã hội và đến lúc phải chuẩn hóa lại. Để chuẩn hóa là phải thay đổi tư duy. Trong đó, phải có tư duy có những luật chỉ 3, 4 điều, có luật thì 5, 6 điều, không cần thiết phải đề cập lại đối tượng, phạm vi điều chỉnh, chính sách, có những luật rất hiện đại, rất đồ sộ nhưng có những luật rất ngắn để phù hợp với xu thế chung, các nước có nền làm luật lâu đời đều như vậy. Đồng thời, về kỹ thuật lập pháp cần sửa đổi theo hướng mà các nước có truyền thống lâu đời vẫn làm đó không làm xáo trộn các chương, điều, kết cấu của dự án luật. Giả sử như Bộ luật Hình sự Điều 143 quy định về tội giết người, sau này sửa gì thì sửa nhưng để bộ luật lâu đời thì 100 năm sau Điều 143 vẫn là điều quy định về tội giết người. Quy định như vậy vừa thuận lợi trong áp dụng, nghiên cứu, giảng dạy cũng như tuyên truyền.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ thống nhất với ý kiến cần phải tính tới học tập kinh nghiệm hay của quốc tế về bảo đảm tính ổn định và dễ nhớ, tinh thần tôn trọng pháp luật; sửa đổi như thế nào để luật sửa một số điều của luật trước dễ theo dõi và tiến tới pháp điển hóa hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm được tính khả thi, tính ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đây là một nguyên tắc xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng cũng như trong các luật, nghị quyết Quốc hội, nghị quyết Chính phủ. Vì vậy phải quán triệt thực hiện nguyên tắc này ngay từ khâu lập chương trình cho đến soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến và xem xét thông qua dự án luật và hoàn thiện kỹ thuật trước khi ban hành.

Bảo Yến