UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

12/04/2019

Sáng ngày 12/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo Về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Trình bày Báo cáo Về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và một số nội dung lớn của dự án Luật.

Ngay sau Kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, thực hiện khảo sát về việc quản lý rượu, bia và lấy ý kiến đối với dự án Luật tại một số địa phương, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chuyên gia về các nội dung lớn của dự thảo Luật.

Về tên gọi của Luật, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” và một số ý kiến đề nghị lấy các tên gọi khác như: Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia; Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn hoặc Luật Kiểm soát đồ uống có cồn; Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia; Luật Kiểm soát rượu, bia; Luật về rượu, bia; Luật Hạn chế tác hại của rượu, bia; Luật Kiểm soát tác dụng có hại của các chất có cồn; có ý kiến đề nghị nghiên cứu để tên gọi của dự án Luật đảm bảo tính khả thi.

Ủy ban Về các vấn đề Xã hội thấy rằng, các tên gọi sử dụng từ “kiểm soát” hoặc “hạn chế” mới nhấn mạnh đến kiểm soát việc lưu hành, phân phối và kinh doanh sản phẩm mà chưa bao hàm biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức và những giải pháp về y tế để hạn chế, giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của rượu, bia, nhằm từng bước thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia có trách nhiệm.

Các tên gọi sử dụng từ “lạm dụng” nhấn mạnh việc điều chỉnh hành vi của người sử dụng rượu, bia ở mức có hại. Bản chất của “lạm dụng” là sử dụng quá mức, quá ngưỡng, với các tên gọi này, một mặt, sẽ tạo ra tâm lý chủ quan của người sử dụng với suy nghĩ chỉ khi lạm dụng mới có tác hại và để đến khi lạm dụng mới phòng, chống thì tính “dự phòng” sẽ không cao; mặt khác, theo Tổ chức Y tế thế giới, không xác định được ngưỡng an toàn trong việc sử dụng rượu, bia.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng cụm từ “đồ uống có cồn” trong tên gọi của Luật, tuy mang tính khái quát, bao hàm được cả rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác. Tuy nhiên, cụm từ này lại chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội (nhân dân thường nói “uống rượu, bia”, “say rượu, bia” chứ không nói là “uống đồ uống có cồn” và “say đồ uống có cồn”). Hơn nữa, rượu, bia chiếm khoảng 99,7% thị phần đồ uống có cồn tại nước ta, tác hại gây ra đối với sức khỏe và xã hội cũng xuất phát chủ yếu từ rượu, bia.

Từ những lý do trên, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề xuất không sử dụng các từ “lạm dụng” hoặc cụm từ “đồ uống có cồn” trong tên gọi của Luật và đưa ra hai phương án về tên gọi của Luật như sau:

Phương án 1: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Phương án 2: Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia vì sức khỏe con người.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ nên đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế.

Theo Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội, nếu chỉ đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế mà không đề cập đến các biện pháp ngoài y tế khác nhằm “giảm cung”, “giảm cầu” sẽ không bảo đảm tính toàn diện và hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và chưa thể chế hóa triệt để nhiệm vụ “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá” được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Do vậy, Ủy ban đề nghị giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu và có phương án thể hiện hợp lý hơn nữa giữa các quy định “phòng” và “chống” tác hại của rượu, bia trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến góp ý, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội đã phối hợp với Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng kết hợp giữa “phòng” và “chống”, trong đó “phòng” là chính. Do vậy, bên cạnh một số quy định mang tính “chống” tác hại của rượu, bia, phần lớn các quy định của Luật nghiêng về các giải pháp phòng ngừa.

Cũng có một số ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật tập trung vào 3 nhóm vấn đề: (1) Giá rượu, bia; (2) Giảm tính sẵn có của rượu, bia; (3) Hạn chế thông tin quảng cáo, tuyên truyền về rượu, bia; sửa biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia thành biện pháp giảm cung cấp, giảm tính sẵn có và tính dễ tiếp cận của rượu, bia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính khả thi và tính thực tiễn trong cuộc sống​

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính khả thi và tính thực tiễn trong cuộc sống. Đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu thật kỹ, nếu Luật này nếu làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất rượu, bia và hoạt động kinh tế của các nhà đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Những nội dung trong Luật này liên quan đến quyền kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia nên phải bảo đảm đúng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết với Quốc tế. Đồng thời, Luật này cũng tác dụng rất lớn đến tập quán, văn hoá tiêu dùng của cộng đồng, xã hội nên phải tiếp cận một cách đa chiều, đa ngành để xử lý tốt các vấn đề thương mại, văn hoá tiêu dùng và quan trọng nhất là sức khoẻ cộng đồng, đồng thời đảm bảo phù hợp với thực tiễn của nước ta.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, về tên gọi của dự án Luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tên gọi của dự án Luật trong nội hàm phải nói rõ được việc phòng chống tác hại của rượu bia, kiểm soát được rượu, bia vì sức khoẻ con người. Luật không được để ảnh hưởng đến các Luật khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh và quảng cáo. Do đó, đề nghị tiếp tục đưa ra 2 tên gọi trước Quốc hội, giải trình rõ ràng để chọn được tên gọi hợp lý nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tiếp tục đưa ra 2 tên gọi trước Quốc hội, giải trình rõ ràng để chọn được tên gọi hợp lý nhất

Theo ý kiến của đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định không nói về thuế tại Luật này mà để Luật Thuế quy định. Về quỹ, đề nghị không lập quỹ và chọn phương án 2 trong báo cáo của Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội: “Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phòng, chống tác hại rượu, bia.”  

Sau phiên họp này, đề nghị Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội và Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, rà soát dự án Luật này nhằm bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan, bảo đảm tính khả thi trong cuộc sống và phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc./.

Vân Ngọc - Trọng Quỳnh