ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN LẦN 2 VÀO DỰ ÁN LUẬT THƯ VIỆN

12/04/2019

Chiều ngày 12/4, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến lần 2 vào dự án Luật Thư viện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Tuy nhiên, sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập: Chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh; Sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp... Do đó, cần thiết sự ra đời của Luật Thư viện.

Tờ trình cũng nêu rõ, Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra

Thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Uỷ ban VH, GD, TN, TN & NĐ) trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ và Ủy ban Pháp luật để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thư viện, đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội theo quy định; Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật.

Về bố cục của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chỉ ra rằng, dự án Luật gồm 7 chương, 51 điều, không thay đổi số chương, số điều so với dự thảo Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32; trong đó, chỉnh sửa, bổ sung nội dung của nhiều điều, sắp xếp lại thứ tự một số điều. Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật đảm bảo mục tiêu, quan điểm đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thư viện trong cả nước.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nêu rõ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32, Ban soạn thảo đã quy định rõ hơn về những hoạt động thư viện được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích; bổ sung chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia hoạt động thư viện và việc thành lập, duy trì thư viện ngoài công lập có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; bổ sung nội dung Nhà nước đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng và giao Chính phủ quy định cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh, Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ cơ bản nhất trí với các nội dung bổ sung và đề nghị quy định cụ thể hơn chính sách ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện trung tâm có vai trò quan trọng; đầu tư phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia phát triển thư viện. Ngoài ra, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đặc thù của thư viện trung tâm có vai trò quan trọng, vai trò và trách nhiệm thư viện này ngay tại Luật để đảm bảo tính khả thi.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận về dự án Luật tại Phiên hợp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hồ sơ dự án Luật đảm bảo tiêu chuẩn để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Đi vào một số nội dung cụ thể, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, trong điều khoản về giải thích từ ngữ, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số khái niệm có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để xác định tổ chức và hoạt động của thư viện, xác lập các quy định điều chỉnh, chính sách phát triển thư viện như “thư viện”, “thư viện số”…

Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải quam tâm vào nội dung về phân loại thư viện được quy định tại Điều 5 của Dự luật. Cụ thể, theo hình thức sở hữu, thư viện bao gồm: Thư viện công lập: Thư viện ngoài công lập. Theo chức năng và nhiệm vụ, thư viện bao gồm: Thư viện quốc gia, thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác và thư viện chuyên ngành. Theo phương thức hoạt động, thư viện bao gồm:  Thư viện truyền thống, thư viện số và thư viện tích hợp. Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát, xem xét lại một số thư viện của cơ quan nhà nước như Thư viện Quốc hội thì được phân loại ở đâu trong Dự luật.

Cơ bản tán thành những chính sách của nhà nước về thư viện, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần quan tâm bố trí kinh phí cho việc sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học đã được Dự luật quy định.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các ý kiến thảo luận của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32 đã được tiếp thu tối đa; hồ sơ dự án Luật Thư viện đã đảm bảo các tiêu chuẩn; đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự án Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác