HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC

17/04/2019

Sáng ngày 17/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật thể chế hóa được yêu cầu trong các nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới.

Qua ý kiến của các thành viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách mới, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật

Cơ bản đồng tình với quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật về cách chức, giáng chức

Cũng về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, do đó đề nghị cân nhắc thêm các vấn đề về thời hạn, thời hiệu xử lý, hình thức xử lý, trình tự thủ tục, mối quan hệ giữa xử lý kỷ luật đối tượng này với trách nhiệm hành chính, hình sự đối với vi phạm và giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý kỷ luật với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị làm rõ vấn đề chỉ xóa chức danh của người đã nghỉ hưu, nghỉ việc khi bị xử lý, nhưng tư cách pháp lý của chức danh đó trong tổ chức phải được giữ, tránh rối trong tổ chức, nhất là khi người đó đang đương chức, đã đại diện tổ chức ký các văn bản, nếu không bị pháp luật bác bỏ thì vẫn có hiệu lực

Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu về việc có quy định tuổi của cán bộ, công chức, viên chức trong luật.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhất trí với việc cần phải có chính sách để phát hiện và thu hút đối với người có tài năng, thông qua tuyển dụng, đãi ngộ để phục vụ cho đất nước; đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm người có tài trong luật, quy định nguyên tắc tạo cơ sở cho Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung thêm một số nội dung mới như về liên thông, cơ chế chính sách tài năng, nhân tài...

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách mới, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến.

Trọng Quỳnh