ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI BÁO CÁO TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XIV

10/08/2019

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Báo cáo số 433 /BC-UBTVQH14 ngày 02/8/2019 về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị

Trước đó tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã phối hợp hoàn thiện báo cáo để ban hành chính thức. Theo đó, từ thực tế kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri và Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 35

Sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và Nhân dân.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thường xuyên được rà soát, kiểm tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội yên tâm dự họp. Việc phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu có nhiều cải tiến, đổi mới. Phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo, tiết kiệm chi phí. Việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội qua hệ thống điện tử vừa bảo đảm tính chính xác, vừa thể hiện tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Các công tác bảo đảm khác được chú trọng quan tâm, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của đại biểu.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra việc tổ chức kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm như một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc bổ sung một số nội dung trong thời gian diễn ra kỳ họp làm ảnh hưởng tới thời gian thảo luận một số dự án luật. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp của một số cơ quan soạn thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật còn chậm, chưa kịp thời.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa tập trung phân tích những vấn đề mới, nổi cộm so với báo cáo trình tại kỳ họp trước. Ý kiến thảo luận về kinh tế - xã hội còn dàn trải, trùng lặp, chưa tập trung vào những vấn đề lớn cần được Quốc hội quyết định.

Chú trọng công tác lập pháp, giám sát tập trung vào các vấn đề bức xúc của xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thời gian tới cần quan tâm chỉ đạo một số vấn đề.

Trong đó, tiếp tục quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Có biện pháp quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội, bảo đảm đại biểu có thời gian nghiên cứu cũng như thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử. Không bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp sau khi khai mạc kỳ họp, trừ trường hợp đặc biệt, thật sự cấp bách.

Chú trọng hoạt động lập pháp, ưu tiên các luật điều chỉnh các vấn đề bức xúc của xã hội. Nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp trước khi trình Quốc hội. Chính phủ cần để cao vai trò trách nhiệm, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự án luật bảo đảm thống nhất cao trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm như: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, gian lận thi cử, giá xăng, giá điện, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, bạo lực gia đình,… góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân.

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp, trong đó bảo đảm để các cơ quan có thời gian tập trung tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết trong kỳ họp; có cách thức phù hợp thu thập tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tăng cường thông tin về kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần có phương án tuyên truyền nhất quán, sâu rộng để tạo đồng thuận về các nội dung nhạy cảm, phức tạp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng./.

Bảo Yến