Chỉ tính từ ngày 5 (ngày khai trường) đến ngày 11-9, đã có ít nhất bốn lần xảy ra tắc đường trong khu vực nội thành Hà Nội, trong đó tắc đường nghiêm trọng, trên diện rộng vào sáng 5 và sáng 10-9, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của nhân dân, gây tâm lý bức xúc trong dư luận. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì ? Và giải pháp nào để khắc phục?
Ùn tắc ở mọi nơi
Khoảng một tuần nay, giao thông Hà Nội lúc nào cũng trong tình trạng"căng thẳng". Cứ từ khoảng 7 giờ sáng trở đi, đường phố chật ních người và xe. Ùn tắc xảy ra trên diện rộng trên địa bàn hầu hết các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên… Từ những tuyến đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố như Ngô Gia Tự-Nguyễn Văn Cừ, Giải Phóng, Lê Văn Lương-Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh- Kim Mã- Nguyễn Thái Học, Trường Chinh, Nguyễn Trãi- Tây Sơn, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn..., nút giao thông trọng điểm như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ô Chợ Dừa, Cát Linh-Giảng Võ, Tôn Đức Thắng-Cát Linh, Giải Phóng-Phố Vọng, Kim Liên, Khâm Thiên-Lê Duẩn..., cho đến các tuyến đường trọng điểm trong khu vực trung tâm thành phố như Tôn Đức Thắng, Đội Cấn, Khâm Thiên, Tôn Thất Tùng, Lê Trọng Tấn, Phạm Ngọc Thạch, Đại Cồ Việt, Bạch Mai… Tuyến đường Chùa Bộc-Thái Hà mặc dù đang được các lực lượng chức năng thí điểm tổ chức tuyến giao thông mẫu nhưng vẫn không tránh khỏi ùn tắc cả trên tuyến đường và các nút giao thông trên tuyến bao gồm: Tôn Thất Tùng-Chùa Bộc, Tây Sơn-Chùa Bộc, Thái Hà-Huỳnh Thúc Kháng.
Vì các phương tiện không đi qua được những tuyến đường, nút giao thông trên, cho nên phải đi vòng sang các tuyến đường khác, lại gây nên tắc đường ở những đường tránh này, làm cho ách tắc lan rộng.
Ngay các các tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, đường trong các khu dân cư quá tải và rất lộn xộn… Chị Đoàn Phương Loan, nhà ở phố Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết: những đợt tắc đường vừa qua, chị phải mất khoảng hai tiếng mới thoát ra khỏi cảnh ùn tắc kéo dài từ đầu ngõ phố cho đến đường Lê Trọng Tấn, đường Trường Chinh, để đến cơ quan ở Ngọc Khánh. Ai đã từng lâm vào tình trạng tắc đường, mới thẩu hiểu nỗi khổ “trần ai”của cảnh này. Hàng nghìn người trên những phương tiện khác nhau nhích từng tí một trong mớ âm thanh hỗn độn, cộng với hơi nóng, mùi khói xe ngột ngạt từ hàng nghìn phương tiện xả ra, gây tâm lý căng thẳng, ức chế.
Nguyên nhân gây ùn tắc
Lý giải tình trạng này, các lực lượng chức năng thường đưa ra các nguyên nhân khách quan. Sáng 5 và 10-9 vừa qua, khi xảy ra tình trạng tắc đường trên diện rộng, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân là do cơn mưa đầu giờ sáng trùng vào giờ cao điểm đi làm, xe ô tô cá nhân và taxi hoạt động nhiều. Hơn nữa, hai ngày đó là ngày khai trường, nhập học của học sinh các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, lượng người tham gia giao thông tăng đột biến.
Tuy nhiên, đến sáng 6 và 11-9, thời tiết khá thuận lợi, trời không mưa, cũng không phải là thời điểm khai giảng hay nhập học của các trường, mà ùn tắc vẫn tiếp diễn. Vậy đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này?
Bản chất của tình trạng mất ổn định của giao thông Hà Nội là mâu thuẫn giữa số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, không kiểm soát được với hạ tầng giao thông đô thị lạc hậu. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), riêng sáu tháng đầu năm nay, thành phố có thêm 94.000 phương tiện cơ giới mới, trong đó ô tô là 9.600 xe, xe máy 84.400 xe, nâng tổng số phương tiện trên địa bàn lên tới 1.850.000 xe máy, 185.000 ô-tô.
Ngoài ra còn phải kể đến số dân di cư tự do tăng mạnh và khó kiểm soát. Nửa năm qua, thêm 86.000 người ngoại tỉnh đã "gia nhập" cộng đồng cư dân Hà Nội (tăng 39% so với 2006).
Trong khi đó, các công trình xây dựng, cải tạo hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố thi công quá ít. Trung bình mỗi năm thành phố chỉ xây dựng được thêm 30-40 km đường. Sáu tháng đầu 2007, chỉ có một số công trình hạ tầng giao thông đường bộ được đưa vào sử dụng, như: đoạn đầu đường Lạc Long Quân, 600m vành đai 3 (đoạn từ Lê Văn Lương đến Trần Duy Hưng), cầu vượt Ngã Tư Sở, đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa... Công trình cầu vượt dành cho người đi bộ, cứ tưởng sẽ được thành phố làm cấp tập năm, sáu cái trong năm nay, khi công luận lên tiếng sau hai vụ tai nạn của hai giáo sư nổi tiếng cuối năm ngoái. Thế mà đến nay, vẫn chưa xong công trình nào.
Các công trình đã hoàn thành lại chỉ là những công trình đơn lẻ, không tạo nên tính đồng bộ cho cả hệ thống. Một chuyên gia giao thông của tổ chức JICA (Nhật Bản) nhận định: giao thông hoạt động theo nguyên lý dòng chảy, nếu bịt chỗ này lại, nó sẽ chảy ra chỗ khác. Thực tế ở Hà Nội thì sao? Đường vành đai một mới chỉ đưa vào sử dụng được đoạn từ Ô Đống Mác đến Kim Liên và đoạn từ Kim Liên đến Ô Chợ Dừa, còn đoạn từ Ô Đống Mác đến đê Nguyễn Khoái và đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Voi Phục vẫn chưa được khởi công. Trên tuyến đường vành đai hai, mới hoàn thành cải tạo nút Ngã Tư Sở, còn toàn bộ tuyến đường vẫn chưa được mở rộng. Chính sự khập khiễng này đã làm cho tình trạng ùn tắc trở nên phức tạp hơn. Đường càng rộng phương tiện đi càng nhanh, càng đổ dồn về nhiều hơn ở những nút cổ chai tiếp theo. Dễ dàng nhận thấy là từ sau khi đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa đưa vào sử dụng thì đường Nguyễn Lương Bằng và nút giao thông Ô Chợ Dừa ách tắc nhiều hơn. Nút Ngã Tư Sở cải tạo xong thì nút cổ chai Lê Trọng Tấn-Trường Chinh càng tắc hơn.
Công tác tổ chức, điều hành giao thông cũng còn nhiều điều đáng bàn. 6 giờ 30 phút sáng 10-9, người tham gia giao thông không thấy bóng một cảnh sát giao thông nào làm nhiệm vụ trên tuyến đường Chùa Bộc. Mặc dù đây là ngày đầu tiên lực lượng chức năng tuyên bố sẽ tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến. Việc tăng cường lực lượng ứng trực ở tuyến giao thông trọng điểm này chắc chắn cần thiết hơn việc huy động 100% lực lượng cảnh sát giao thông ra quân để hướng dẫn giao thông, xử lý vi phạm trong những ngày nghỉ cuối tuần, những ngày mật độ giao thông thưa thớt.
Công tác tổ chức giao thông trên cầu Long Biên cũng là một thí dụ. Các ngành chức năng cho phép xe máy được đi qua cầu Long Biên, để giảm tải cho cầu Chương Dương, nhưng các đơn vị thi công sửa chữa, gia cố cầu lại thường xuyên tập kết vật liệu ngay trên làn đường dành cho xe đạp, xe máy, hạn chế khả năng thông xe. Vì thế, các phương tiện, nhất là xe máy dù bị ùn tắc vẫn cố đi qua cầu Chương Dương, càng làm cho tình trạng tắc đường phức tạp.
Giải pháp khắc phục
Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính Hà Nội Trần Danh Lợi cho biết: Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô, Sở Giao thông công chính Hà Nội triển khai thực hiện đề án giảm ùn tắc giao thông trên điạ bàn thành phố trong giai đoạn 2007-2010. Đề án bao gồm bảy nhóm giải pháp, trong số đó có một số giải pháp tương đối "mạnh", tác động đến việc sinh hoạt, đi lại của nhiều người dân.
Cụ thể, trong năm nay, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức lại giao thông trên hai tuyến: Giảng Võ-Láng Hạ và Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt. Năm 2008, 2009 sẽ tổ chức giao thông trên 14 tuyến quan trọng khác. Thành phố sẽ cấm xe máy hoạt động trên một số tuyến đường. Tổ chức xe buýt đi hai chiều trên tuyến phố một chiều. Xây dựng tuyến Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân thành tuyến phố đi bộ. Xây dựng mười cầu đi bộ trên các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố và đường hầm cho người đi bộ tại sáu tuyến đường xuyên tâm. Xây dựng bảy tuyến buýt nhanh và các tuyến đường sắt đô thị. Cấm triệt để học sinh đi xe máy đến trường. Tăng mức xử phạt các phương tiện vi phạm
Về hạ tầng giao thông, từ nay đến năm 2010, thành phố và Bộ Giao thông Vận tải sẽ nâng cấp 27 km đường quốc lộ đoạn đi qua Hà Nội, xây dựng 27 km đường cao tốc (đoạn qua Hà Nội). Triển khai và hoàn thiện các tuyến đường vành đai 1,2, 2,5 và 3, cùng nhiều tuyến đường mới trong nội đô. Xây dựng thêm cầu Nhật Tân. Đầu tư bốn bến xe tải liên tỉnh và ba bến xe khách liên tỉnh.
Thành phố coi việc cải tạo hạ tầng, tổ chức lại giao thông là rất cần thiết, nhưng phải kết hợp với việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật cho người tham gia giao thông, phát động phong trào “Xây dựng văn hóa giao thông của người Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”, để giao thông thành phố đạt mục tiêu an toàn và văn minh.