Thông qua Nghị quyết về lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW

21/12/2016

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 5, sáng 21/12, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, sau khi xem xét, cho ý kiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước nhằm thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 được ban hành trước đó. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp                      Ảnh: Đình Nam

Về tên gọi của Nghị quyết, qua xem xét, cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước” nhưng không thấy quy chế đâu. Do đó, đề nghị cần bỏ từ “quy chế”, chỉ ghi “Nghị quyết quy định chi tiết về việc….” hoặc có thể làm Nghị quyết ngắn và có quy chế kèm theo. Nhất trí ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị bỏ từ “quy chế” trong tên của dự thảo Nghị quyết.

Về vấn đề thẩm tra và phối hợp thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về sự phối hợp giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Ủy ban Tài chính- Ngân sách, đặc biệt là những vấn đề cần phải thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước của các bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định cụ thể hơn nữa về trình tự và sự phối hợp giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có liên quan trong trình tự lập và thẩm tra ngân sách cho các đối tượng thuộc lĩnh vực giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.

Ngoài ra, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng lưu ý rằng, theo Nội quy kỳ họp thì chậm quá 5 ngày là hạn cuối cùng phải gửi tài liệu đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do đó, việc quy định như trong dự thảo Nghị quyết: “Căn cứ đề nghị của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tổ chức thẩm tra các báo cáo do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo các hình thức quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tế tình hình của cơ quan tại thời điểm đó; gửi kết quả thẩm tra bằng văn bản đến Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày Ủy ban thường vụ Quốc hội họp, xem xét báo cáo có liên quan” là quá muộn. Do đó, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, để tránh tình trạng đại biểu Quốc hội phản ánh việc gửi báo cáo đến sát nút, không có điều kiện để đọc thì việc gửi tài liệu, báo cáo phải đẩy sớm thêm, không thể quy định “chậm nhất 5 ngày”.

Bên cạnh đó, sau khi nghe phản ánh ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về việc cho đến nay vẫn còn khoảng trên, dưới 30 trụ sở Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện vẫn phải đi thuê, có những giai đoạn đi thuê ở nhà dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, “cả nước có 30 Tòa án huyện mà từ đó tới bây giờ cả đất nước này không xây nổi 30 trụ sở để xét xử nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi nghĩ là không nên”. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp thu ý kiến, xem lại, nhất là kế hoạch đầu tư công. “Cái gì bức xúc, cần thiết chúng ta cố gắng làm cho đàng hoàng”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp                          Ảnh: Đình Nam

Giải trình một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thể chế ngân sách của chúng ta là lồng ghép bởi trước khi đưa ra Quốc hội, phải tập hợp lại, làm nhiều vòng với địa phương, báo cáo Chính phủ sau ra Bộ Chính trị, ra Trung ương rồi mới ra đến Quốc hội. Bộ Chính trị thường cho ý kiến vào cuối tháng 9, kết luận của Trung ương thường từ mùng 10 đến 15 tháng 10. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị thời hạn gửi báo cáo vào khoảng ngày 25/10.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị: Thứ nhất, Nghị quyết cần bỏ từ "quy chế" ở tên gọi.

Thứ hai, bổ sung thêm vào Điều 13 và Điều 15 dự thảo, bỏ từ "đề nghị"; có thể quy định việc Chính phủ khi gửi cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thì đồng gửi cho các Ủy ban có liên quan. Theo quy định tại Điều 44 Luật ngân sách nhà nước là trước ngày 20/9 sẽ gửi cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các Ủy ban có liên quan. Các Ủy ban có liên quan sẽ tiến hành thẩm tra theo nội dung thuộc lĩnh vực mình phụ trách và phải có trách nhiệm gửi cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách trước 10 ngày. “Đề nghị có một số mốc như thế, ta ghi theo đúng quy định của luật là đồng gửi trước ngày 20/9, gửi cho Ủy ban thường vụ thì gửi cho các Ủy ban và các Ủy ban có trách nhiệm gửi cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách trước 10 ngày, nếu sau 10 ngày thì ý kiến của anh coi như nhất trí với dự thảo. Cách thẩm tra có thể riêng Ủy ban Tài chính, Ngân sách là phiên họp toàn thể, còn các Ủy ban khác tùy từng điều kiện có thể thường trực hoặc Ủy ban”- Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Thứ ba, đề nghị tiếp thu từng bước vấn đề về phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra; đề nghị sửa lại cho đúng tên các báo biểu theo đúng quy định của luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận tại phiên họp                      Ảnh: Đình Nam

Về việc xây dựng 30 trụ sở của Tòa án cấp huyện, đề nghị Chính phủ, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, cân nhắc theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội.

Sau kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, 100% các ý kiến Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước nhằm thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11.

Trên tinh thần đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh, kể cả một số vấn đề về nội dung và kỹ thuật văn bản, các báo biểu; xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội một lần nữa, sau đó sẽ hoàn chỉnh tiếp để trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực.

Quang Minh

Các bài viết khác