Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

21/12/2016

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 5, sáng 21/12, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trình bày Tờ trình của Chính phủ                    Ảnh: Đình Nam

Theo Báo cáo số 588/BC-CP ngày 20/12/2016 của Chính phủ, bên cạnh các kết quả đạt được, có 10 vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 như: Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế; Thứ hai, hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn. Việc thu hút các dự án FDI tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa đảm bảo, công nghệ chưa tốt, đặc biệt công nghệ trong những lĩnh vực Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Còn có những dự án đầu tư hàm chứa tiêu cực về môi trường, sinh thái...

Thứ ba, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Thứ tư, việc phát triển thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng trong việc xác định hướng đi. Thứ năm, cùng với quá trình phát triển, đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển.

Thứ sáu, có thời gian, việc tập trung các nỗ lực hội nhập kinh tế vào khu vực Đông Á làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào các nền kinh tế lớn trong khu vực về các nguồn nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị và công nghệ thấp, về đầu tư, công nghệ và tài chính. Thứ bảy, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, điều hành của Chính phủ và quản trị của doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Thứ tám, lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế như chậm đổi mới thể chế chính sách, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp.

Thứ chín, tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực là chưa cao, công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp chưa tốt. Thứ mười, khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế chưa cao. Các vấn đề về xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu. Công tác tham mưu, tư vấn chính sách còn nhiều hạn chế.

Trên cơ sở tình hình nêu trên, Chính phủ đã đề xuất một số kiến nghị như: Công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế cần phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, nhưng đi vào chiều sâu và tập trung vào các đối tượng thụ hưởng trực tiếp; theo dõi chặt chẽ tình hình chính trường của các đối tác kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc…; tập trung ưu tiên cho hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao hiệu quả của công tác điều phối liên Bộ, ngành và địa phương; nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Quốc hội nhằm tăng cường lợi ích và khắc phục dần các tồn tại, vướng mắc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tại phiên họp

Cơ bản nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới, Báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm đến một số vấn đề như: Một là, cần tiếp tục triển khai và quan tâm theo dõi, đánh giá sát, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 1052, thống nhất cơ quan đầu mối chủ trì triển khai thực hiện và báo cáo kết quả. Cần quan tâm hơn nữa tới việc chỉ đạo chính quyền địa phương tham gia tích cực vào việc triển khai Nghị quyết 1052 như công tác tuyên truyền, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu… Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc phát sinh, cần báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp luật, thể chế và chức năng của Quốc hội trong công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hai là, theo dõi sát và kiến nghị kịp thời các giải pháp không chỉ những tác động về lĩnh vực hội nhập kinh tế, mà cần lưu ý các thách thức về chính trị, xã hội. Ba là, cập nhật các chủ trương, chính sách lớn theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đề nghị Chính phủ cần sớm xem xét, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Về Chương trình sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan phù hợp với điều kiện trong nước và cam kết quốc tế của Việt Nam theo Nghị quyết số 06-NQ/TW, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát các luật, pháp lệnh có liên quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần “thiết kế khác” để “có sức sống hơn”, trong đó tập trung chỉ rõ ngành nào, lĩnh vực nào hội nhập thành công, có nền tảng bền vững; ngành nào, lĩnh vực nào còn đang chậm lại, có xu hướng tụt hậu để từ đó có các chính sách, giải pháp mạnh mẽ. Đặc biệt, trong 10 nhóm tồn tại, vướng mắc cần chỉ rõ “đâu là cản trở, đâu là tạo ra sự trì trệ”; vấn đề hội nhập cần phải có dự báo, dự đoán diễn biến các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đối tác lớn của nước ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Báo cáo cần khẳng định rất rõ việc thực hiện Nghị quyết theo tinh thần đổi mới, đã tham mưu kịp thời nhưng vẫn đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị, giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước. Ngoài ra, cần đánh giá sâu hơn vấn đề về nguồn vốn, về công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực….; giải thích rõ vấn đề về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần làm rõ vấn đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dạy nghề; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị xem xét, đánh giá cụ thể vấn đề bối cảnh, đặc biệt là việc tình hình khu vực và thế giới ảnh hưởng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta; làm rõ một số nội dung về cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch….v.v…

Giải trình một số nội dung tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, việc hội nhập quốc tế nhưng phải đảm bảo ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội. Tới đây Chính phủ, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương, các bộ, ngành bám sát 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết, kết hợp với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII; Luật quản lý ngoại thương; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ đã triển khai tích cực, đúng định hướng và bám sát các nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 1052 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Qua việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đã góp phần để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng XII, cũng như Nghị quyết Trung ương 4 và các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, sau gần 1 năm thực hiện, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực thông tin tuyên truyền, cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp và tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế, tổ chức quốc tế và đẩy mạnh đàm phán FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới và đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hội nhập nhưng chúng ta vẫn giữ được sự ổn định chính trị, giữ vững được độc lập và tự chủ.

Thứ ba, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với 10 hạn chế, vướng mắc nêu trong Báo cáo và cho rằng những hạn chế đó cần được khắc phục. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần nêu rộng hơn, sâu hơn và làm rõ những nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trên một số lĩnh vực, ví dụ vấn đề nguồn nhân lực, vấn đề thực hiện cơ chế thị trường cũng như vấn đề quốc phòng và an ninh.

Thứ tư, Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của Chính phủ để cùng phối hợp nhằm xây dựng hệ thống pháp luật, tăng cường công tác giám sát và tổ chức thực hiện. Đặc biệt bám sát Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục đẩy nhanh, mạnh và có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu một cách đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Kinh tế để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần các Nghị quyết mới của Trung ương, Bộ Chính trị cũng như của Quốc hội.

Quang Minh

Các bài viết khác