Đoàn giám sát của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016

03/03/2017

Sáng 3/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 họp Phiên toàn thể lần thứ 2, nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp 

Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám; Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh; lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong giai đoạn 2011- 2016 đã có 123 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở Trung ương ban hành trong đó có 6 văn bản của Quốc hội, 23 văn bản của Chính phủ, 20 Thông tư của Bộ Y tế, 45 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 12 Thông tư của Bộ Công thương. Các bộ cũng đã ban hành 453 tiêu chuẩn Việt Nam, 119 quy chuẩn Việt Nam về thực phẩm và 6 quy định kỹ thuật về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các cấp đều có các văn bản chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương.

Chính phủ đánh giá hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam tương đối toàn diện, đầy đủ, đáp ứng kịp thời yêu cầu về công tác quản lý và điều hành về an toàn thực phẩm. Việc ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã khắc phục tình trạng thiếu cơ chế quản lý, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, số lượng văn bản còn nhiều gây khó khăn khi tra cứu áp dụng. Việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật địa phương với sản xuất đặc thù vùng miền còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại phiên họp 

Về kết quả triển khai thực hiện thực tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khái quát, việc tổ chức quản lý an toàn thực phẩm bước đầu đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với chế tài xử phạt mạnh. Trong năm 2015- 2016 cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% (2015) lên 23,4% (2016), tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tănng từ 50,5% (2015) lên 67% (2016). Việc công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, thực hành về an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng. Nếu như cách đây 15 năm cụm từ an toàn vệ sinh thực phẩm ít được nhắc đến thì nay an toàn thực phẩm là vấn đề thường trực được người dân quan tâm.

Thông báo kết quả bước đầu sau giám sát thực tế tại 19 tỉnh, thành phố trong cả nước của Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh nhưng kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm thì việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong điều kiện sản xuất thực phẩm chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ vẫn là thách thức lớn. Thực tế, công tác quản lý vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, kháng sinh còn nhiều bất cập. Nguyên liệu đầu vào sản xuất thực phẩm chưa kiểm soát chặt chẽ. Nguy cơ ô nhiễm cao của các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sản xuất thực phẩm như đất, nước, không khí, chất thải nông nghiệp, chất thải sinh hoạt. Giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tình hình thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc vô cùng phức tạp. Số lượng vụ ngộ độc thực phẩm còn nhiều trong khi việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Tại nhiều địa phương việc thực thi pháp luật không hiệu quả, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của từng chủ thể liên quan trong công tác quản lý để xảy ra vi phạm.

Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát cũng đã đề nghị Chính phủ làm rõ nhiều nội dung như đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm ở nước ta, nguyên nhân của thực trạng trên, trách nhiệm thuộc về ai và đề xuất những giải pháp cụ thể.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên làm việc

Giải trình về các nội dung Đoàn giám sát quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết mặc dù tình hình an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong xã hội, được đánh giá ở mức trung bình song thực trạng đó không vượt ra khỏi điều kiện phát triển chung của đất nước. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hạn chế trong quy định pháp luật, mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hay kinh phí không phải là nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm mà chính là do tổ chức triển khai thực hiện và thanh tra, kiểm tra hạn chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới cần tổ chức quản lý an toàn thực phẩm theo nguy cơ, rủi ro, quản lý dọc theo chuỗi. Theo đó, cần có hệ thống đánh giá rủi ro bên cạnh hoạt động của các phòng thí nghiệm còn phải có phương tiện lưu động xét nghiệm nhanh để cung cấp bằng chứng xác đáng. Cần tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm đã đầu tư; không chỉ đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm của Nhà nước mà còn cả của tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy cần tạo cơ chế, thủ tục để công nhận các kết quả xét nghiệm độc lập. Hình thành xuyên suốt từ trung ương đến địa phương hệ thống quản lý rủi ro, đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm dựa trên bằng chứng, số liệu cụ thể tránh đánh giá định tính, không chính xác. Đồng thời, công tác truyền thông bên cạnh tuyên truyền về các vi phạm cũng cần chủ động hướng đến tuyên truyền sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng sạch.

Khẳng định tầm quan trọng của giám sát an toàn thực phẩm, bước đầu nhận thấy kết quả giám sát đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hoạt động của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung báo cáo, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế vi phạm mà Đoàn giám sát chỉ ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua giám sát thực tế tại 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, nghe Chính phủ báo cáo và thảo luận tại phiên họp, Đoàn giám sát nhận thấy hệ thống pháp luật nước ta khá toàn diện và đầy đủ, đáp ứng kịp thời công tác quản lý, chưa phát hiện sai sót lớn đến mức đình chỉ văn bản. Việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực, quyết liệt. Bộ máy quản lý được kiện toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát nhận thấy nổi lên một số vấn đề cần được xem xét đánh giá. Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhiều nhưng tính pháp điển, cụ thể, khả thi chưa cao. Có những văn bản còn xung đột, chồng chéo tạo rào cản, hạn chế trong tổ chức sản xuất kinh doanh và kẽ hở trong quản lý. Thiếu nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn gây khó khăn trong thực hiện ở cấp cơ sở. Công tác quản lý điều hành còn có sự buông lỏng dẫn đến hiệu lực hiệu quả chưa cao, càng đi sâu xuống cơ sở thì vấn đề nhận trách nhiệm giảm dần, việc phát hiện và xử lý vi phạm chưa đúng với quy mô tính chất vi phạm. Tổ chức bộ máy, cán bộ còn hạn chế chưa tương xứng với yêu cầu. Tỷ lệ kiểm soát an toàn thực phẩm chưa cao, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm khó khăn.

Đánh giá chung, Đoàn giám sát cho rằng tình trạng an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ, cố gắng so với giai đoạn trước và so với thực trạng nền kinh tế song vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp dựa trên ba nhóm nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế hiện nay (thể chế, ý thức trách nhiệm và nguồn lực thực hiện) để xác định giải pháp khắc phục cụ thể, có tính khả thi cao.

Tin và ảnh: Bảo Yến

Các bài viết khác