Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

03/03/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, chiều 3/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài chính về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu chủ trì buổi làm việc.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính

Báo cáo tính hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã quán triệt các đơn vụ thuộc, trực thuộc nhận thức về công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ đã ban hành quyết định số 2693/QĐ- BTC về Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính năm 2017 với mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính để đạt được các mục tiêu tại Nghị quyết số 19 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016- 2017 và định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 30c của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2022.

Năm 2011, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính là 12.708 đơn vị với 20 cục, vụ (118 phòng); 5 Tổng cục (75 vụ, cục, 192 phòng); 10 đơn vị sự nghiệp; 181 Cục ở cấp tỉnh. Đến tháng 12/2016, cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Tài chính là 11.209 đơn vị với 20 cục, vụ; 5 Tổng cục (74 vụ, cục, 168 phòng); 10 đơn vị sự nghiệp; 183 Cục ở cấp tỉnh. Như vậy, năm 2016 Bộ đã giảm 1.499 đầu mối các đơn vị so với năm 2011. Số lượng các đơn vị thành lập mới nhằm đáp ứng yêu cầu về gia tăng quy mô khối lượng công việc, thực hiện chia tách địa giới hành chính của các địa phương và yêu cầu hiện đại hóa, cải cách hành chính của ngành (giảm cấp tổ/đội thuộc thuộc Chi cục và cấp phòng thuộc Cục ở địa phương và các Vụ thuộc Tổng cục). Các Tổng cục như Tổng cục Hải quan, Ủy ban chứng khoán nhà nước, Kho bạc nhà nước đã thực hiện quy định không tổ chức cấp phòng thuộc các Vụ trực thuộc.

Về rà soát biên chế công chức, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, đến hết năm 2016 biên chế của toàn ngành là 76.375 người. Tính đến 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Tài chính đề nghị tinh giản 562 trường hợp, trong đó Bộ Nội vụ đã phê duyệt được 357/562 trường hợp (đạt 63,5%). Hàng năm, toàn ngành cũng thực hiện luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác khoảng hơn 8.156 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính cũng cho rằng một số nhiệm vụ về quản lý ngân sách còn có sự phân khúc, ngắt quãng như quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính và các Bộ/ cơ quan có liên quan về quản lý tài chính trong lĩnh vực đất đai, quản lý nợ khu vực công... Việc quy định về tổ chức bộ máy trong các văn bản pháp luật chuyên ngành đã gây khó khăn trong việc thiết kế và vận hành, không bảo đảm tính nhất quán trong công tác tổ chức bộ máy như quy định về tổ chức bộ máy là công tác pháp chế, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thanh tra chuyên ngành, thống kê tại các Nghị định.

Nhằm thực hiện tốt cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị cần sớm ban hành bộ tiêu chí quy định về điều kiện thành lập, giải thể tổ chức hành chính. Trong đó có những tiêu chí quy định cứng về số lượng biên chế, vị trí việc làm nhất định để thành lập mới đơn vị. Đồng thời, đề nghị tiếp tục định hướng tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ theo mô hình Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Đề xuất điều chỉnh một số chức năng nhiệm vụ liên quan đến quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công đang giao cho các Bộ khác thực hiện chuyển về Bộ Tài chính nhằm hạn chế chồng chéo và bảo đảm mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một Bộ chịu trách nhiệm chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp 

Đánh giá chung về các nội dung báo cáo của Bộ Tài chính, thành viên Đoàn giám sát cho rằng Bộ Tài chính đã chuẩn bị báo cáo công phu, kỹ lưỡng, với đầy đủ nội dung, bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo trình bày tương đối đầy đủ, cụ thể kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính, đặc biệt trong rà soát vụ trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Đoàn giám sát ghi nhận kết quả nổi bật trong công tác sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính là đến tháng 12/2016 đã giảm được 1.499 đầu mối các đơn vị so với năm 2011. Tuy nhiên, với số lượng công chức chiếm 2/3 công chức khối Trung ương, thì việc phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức cho các đơn vị của Bộ từ năm 2011- 2017 không có sự biến động đáng kể. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính làm rõ thêm chủ trương cải cách hành chính về tổ chức bộ máy của Bộ; việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ phận cấu thành tổ chức bên trong Bộ với địa phương; hiệu quả việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với sử dụng công nghệ thông tin góp phần tinh giản biên chế.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo về các nội dung ban hành văn bản của Bộ để cụ thể hóa chủ trương, chính sách về cải cách bộ máy hành chính nhà nước; kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, kết quả rà soát biên chế công chức, viên chức, người lao động; những yếu tố liên quan tác động đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có thêm những giải pháp căn cơ, toàn diện hơn với mục đích sắp xếp tổ chức bộ máy phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao chứ không đơn thuần là để nâng cao địa vị pháp lý hoặc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức.

Tin và ảnh: Bảo Yến

Các bài viết khác