Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo, tiếp tục điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động như Bộ luật Lao động hiện hành đã quy định. Tờ trình dự án Bộ luật khẳng định: việc sửa đổi Bộ luật lần này nhằm xây dựng một chuẩn mực pháp lý định hướng và tạo môi trường để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đồng thời bảo đảm quyền lợi của người lao động; tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước về lao động; không can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quyền thương lượng và tự định đoạt của các bên quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động; pháp điển hóa các quy định pháp luật về lao động và quản lý lao động...
Các đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động và các quan điểm xây dựng dự án Bộ luật của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, một số nội dung lớn của dự thảo Bộ luật chưa thể hiện được các quan điểm nêu trên hoặc chưa có sự thay đổi một cách căn bản so với pháp luật hiện hành. Ví dụ như các quy định về phạm vi điều chỉnh của dự án Bộ luật; đối tượng áp dụng; giao kết hợp đồng lao động; đại diện thương lượng tập thể; số giờ làm thêm của người lao động... Quy định như dự thảo Bộ luật sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu về quan hệ lao động và quản lý lao động trong bối cảnh hiện nay.