Về tình hình phòng, chống buôn lậu qua biên giới, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, có hơn 231 km đường biên giới quốc gia với Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới. Đặc biệt, Lạng Sơn còn là đầu mối của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam) thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm, nông sản, thực phẩm qua biên giới trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với mức độ, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ năm 2008 đến hết 6 tháng đầu năm 2013, Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý được 31.630 vụ, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính thu được là 59,263 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 308,084 tỷ đồng.
Về triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã, Lạng Sơn đã kiện toàn Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của tỉnh, các huyện, thành phố. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã cũng được lồng ghép tại các cuộc họp sơ kết, tổng kết về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác; tổ chức cung cấp tài liệu Luật Hợp tác xã năm 2012 cho các cấp, các ngành để nghiên cứu, quán triệt, phổ biến.
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế ghi nhận những kết quả đạt được của địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới và việc triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã. Riêng đối với công tác phòng, chống buôn lậu, Đoàn công tác cho rằng, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh tuy đã giảm nhiều nhưng mức độ ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Vì vậy, các cấp chính quyền Lạng Sơn cần nỗ lực hơn nữa trong việc theo dõi, kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới. Cụ thể, cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhất là hàng tạm nhập tái xuất chứ không chỉ kiểm tra, xử lý vi phạm chủ yếu trong khâu lưu thông như hiện nay. Kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm làm giảm tình trạng các chủ đầu nậu lợi dụng những ưu đãi của Nhà nước cho cư dân biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu đang diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh.
+ Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế đã khảo sát các khu cửa khẩu biên giới Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị và làm việc với Đội liên ngành thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Tân Thanh.