CẦN ĐIỀU HÀNH CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHẶT CHẼ, HIỆU QUẢ, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

23/10/2023

Chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo sơ kết 03 năm Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt, quyết liệt, kịp thời

Báo cáo những kết quả chính đạt được trong các năm 2021-2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, triển khai quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài chính, ngân sách; cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tinh giản bộ máy. Trong đó, đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP, các cơ quan, đơn vị có liên quan” và báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất việc sửa đổi Luật NSNN trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời điểm thích họp, tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời chỉ đạo các cơ quan tiến hành lập hồ sơ xây dựng các Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo

Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan cũng đã huy động các nguồn lực đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư công, tăng cường giải ngân các nguồn vốn. Thực hiện cơ cấu lại NSNN với kết quả tích cực. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN; ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý trong đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính, giảm chi bộ máy từ NSNN.

Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan đã thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giá, cơ bản kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% theo mục tiêu.  Hoàn thiện chính sách về quản lý thị trường dịch vụ tài chính, góp phần ổn định xã hội, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Chủ động, tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế, hợp tác tài chính quốc tế. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Bàn về những tồn tại, khó khăn trong công tác này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác hoàn thiện thể chế còn có những khó khăn, trong thực hiện đặt ra yêu cầu rà soát lại các quy định về quản lý chi thường xuyên và đầu tư công để thực hiện nhiệm vụ chi của NSNN. Thu NSNN có xu hướng giảm, dự báo các năm còn lại của giai đoạn phụ thuộc vào việc xử lý các hạn chế nội tại, sự phục hồi của nền kinh tế.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN bình quân khả năng không đạt kế hoạch 85-86%; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở mức rất thấp,... Cơ cấu lại chi NSNN tiếp tục gặp thách thức, áp lực tăng chi lớn. Hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng NSNN còn bất cập; phân bổ nhiều lần trong năm, trong đó có một số lĩnh vực chi theo tỷ lệ (ví dụ chi sự nghiệp KHCN, chi sự nghiệp môi trường). Giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm không đạt kế hoạch.

Các đại biểu tại phiên họp

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân khách quan là do: bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới và khu vực diễn biến nhanh, chưa có tiền lệ, khó lường...; Tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn còn khó khăn; Cơ cấu lại nền kinh tế cần thời gian, năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chậm cải thiện; Hệ thống pháp lý trong tổ chức thực hiện còn có những điểm bất cập, chưa phù hợp. Nguyên nhân chủ quan là do: Năng lực xây dựng và thực thi thể chế chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế; Công tác quản lý, điều hành có lúc lúng túng, sự phối họp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; Năng lực phân tích, dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn luôn biến động,...

Rút ra bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cần quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật cho phù hợp, đồng bộ, đáp ứng thực tiễn. Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt, quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điềm và đồng bộ từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực phân tích, dự báo;...

Cùng với đó, cần coi trọng tính cân đối, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương và cải cách hành chính trong tất cả các khâu huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần ổn định vĩ mô, hướng tới phát triển bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, đảm bảo quán triệt, tạo sự đồng thuận.

Về dự kiến khả năng thực hiện 05 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các chỉ tiêu cụ thể về thu, chi và cân đối NSNN vẫn đang theo tiến độ kế hoạch tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; một số chỉ tiêu khả năng khó đạt theo mục tiêu kế hoạch, gồm: tỷ trọng thu nội địa bình quân trong tổng thu NSNN; chi ĐTPT từ nguồn vốn ngoài nước và chi ĐTPT từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Trong tổ chức thực hiện các năm 2024-2025, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục thực hiện, phấn đấu cao nhất các chỉ tiêu trên, cũng như một số chỉ tiêu khác như giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trong tổng thu NSNN, giảm Số lượng và giảm chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cần điều hành chi Ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Đối với định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế. Rà soát, tổng kết thực hiện Luật NSNN. Nghiên cứu xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đầu tư, ngân sách.. .để xử lý vướng mắc giữa các Luật. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách về thu NSNN; chính sách về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại chi NSNN, bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, chính sách an sinh xã hội, lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước;... Điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Rà soát lại hệ thống các quy định về tỷ lệ chi NSNN đối với một số lĩnh vực như khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo và dạy nghề, bảo vệ môi trường... phù hợp với thực tiễn quản lý, yêu cầu phát triển của đất nước. Tiếp tục triển khai thực chất việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị; rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập.

Toàn cảnh phiên họp

Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bảo đảm công khai, gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thị trường dịch vụ tài chính để nâng cao tính minh bạch., bền vững. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Về kế hoạch vay, trả nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, 3 năm 2021-2023 triển khai Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025 công tác huy động, trả nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay và bảo lãnh Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Trong thời gian qua, công tác quản lý nợ công cũng phát sinh một số khó khăn, hạn chế đã được Chính phủ nêu trong Báo cáo như quy mô thị trường Trái phiếu chính phủ trong nước chưa phát triển, điều kiện vay ngày càng thắt chặt hơn trong khi áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển lớn; việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn, giải ngân đạt thấp so với dự toán; công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương cần được tiếp tục củng cố.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tăng cường quản lý ngân sách, nợ công; thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 23, số 43 của Quốc hội; chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khắc phục các tồn tại đã nêu.

Hồ Hương