CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CẦN GẮN VỚI TẠO SINH KẾ, NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN

30/10/2023

Góp ý tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng muốn giảm nghèo bền vững thì cần có các giải pháp cụ thể hơn, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 30/10: THẢO LUẬN VIỆC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Cần tránh tình trạng hết chương trình, dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025  được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Theo báo cáo, Chương trình đến nay đã đạt và vượt nhiều  chỉ tiêu đề ra, xong trên thực tế, Đoàn giám sát nhận định: đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng[i]; khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu của Chương trình là rất khó khăn.

Đại biểu Trần Quang Minh Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình 

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào các “lõi nghèo” khó khăn nhất của cả nước. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, đại biểu Trần Quang Minh Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần đánh giá đúng thực trạng việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa, vì nhiều địa phương cũng vì chỉ tiêu phấn đấu theo nghị quyết, theo kế hoạch hàng năm… nên đã vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu là giảm được số lượng trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu thoát nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, cần phát huy kênh bảo trợ xã hội với những hỗ trợ căn bản nhất để đưa những người nghèo không có khả năng thoát nghèo vào diện này. Vì cứ để trong đối tượng hộ nghèo sẽ làm khó trong quá trình thực thi, thậm chí xảy ra tình trạng miễn cưỡng, hình thức khi xét ra khỏi hộ nghèo trong khi thực sự chưa thoát được nghèo chứ chưa nói đến thoát nghèo một cách bền vững. Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vì khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững và lâu dài.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ lo ngại về nhận thức của người dân và công tác tuyên truyền của chúng ta đối với các chương trình mục tiêu, người dân chưa nhận thức được hết cho nên chưa muốn thoát nghèo. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, nguyên nhân cốt lõi của vệc người dân chưa muốn thoát nghèo cũng chính vì từ cách làm cho đến chất lượng chương trình chưa thực sự để người dân tin nên chưa yên tâm khi thoát nghèo. Dẫn đến khi chương trình, dự án kết thúc thì nghèo lại hoàn nghèo. Vấn đề đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh là thay đổi cách làm và chất lượng của các chương trình đảm bảo mang tính bền vững cao, khi đó, tự người dân sẽ nhận thức được và tự ý thức vươn lên thoát nghèo. Đó là giải pháp căn cơ, bền vững.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình 

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần gắn với tạo sinh kế, ngân cao thu nhập cho người dân

Quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Huy, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng thừa nhận một thực tế rất đáng quan tâm ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở là việc thực hiện xây dựng nông thôn mới có xu hướng thiên về hạ tầng, xây dựng cầu đường, trụ sở nhưng lại thiếu chú trọng tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng của người dân thông qua sinh kế.

Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng của xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay là phải đi vào chiều sâu và chất lượng, xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững, chú trọng xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, giảm nghèo, thu nhập.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn cần được chú trọng từ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo thúc đẩy việc triển khai thực hiện thực chất và mạnh mẽ chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp nông thôn như hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị. Để góp phần đạt được điều đó cần có các giải pháp cụ thể hơn để tạo điều kiện sinh kế bền vững, thông qua các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm cho các đối tượng được thụ hưởng chương trình. Chương trình chỉ thật sự phát huy được ý nghĩa khi có sự lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để không ngừng cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, để từng bước đưa nông thôn trở thành miền quê đáng sống như mục đích tốt đẹp của chương trình đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương 

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương muốn đạt hiệu quả từ gốc, thì cũng cần gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, nhưng trách nhiệm thực thi còn đánh giá chung chung khi chỉ ra trách nhiệm và những hạn chế tương đối giống nhau giữa Chính phủ và các bộ, ngành.. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tất cả những vấn đề này liên quan trực tiếp đến năng lực cán bộ và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Bởi vậy, trong tổng thể các giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Đoàn giám sát kiến nghị cần đặc biệt quan tâm một cách thực chất, thấu đáo và khắt khe hơn nữa về vấn đề con người thực hiện. Đặc biệt là năng lực và trách nhiệm của cán bộ, bởi lẽ cán bộ là gốc của mọi công việc, chừng nào còn khó khăn, vướng mắc ở chính những người thực thi công vụ, chừng đó công việc vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thời gian tới cần đặc biệt quan tâm hơn tới việc hoàn thiện cơ chế chính sách bởi hiện nay đang có quá nhiều điểm nghẽn về chính sách do không phù hợp thực tiễn, không thể triển khai được, thậm chí có những chính sách xung đột với nhau về quy định giữa bộ này với bộ khác. 3 chương trình mục tiêu có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, trong đó kết quả thực hiện chương trình này có thể là nền tảng, động lực, tiền đề để thực hiện chương trình kia.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, báo cáo giám sát cần đánh giá một cách tổng quát nhất về mối liên hệ trong kết quả thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia với nhau, những ưu điểm, hạn chế của việc thực hiện chương trình này có là tiền đề, động lực hay rào cản trở ngại cho việc thực hiện chương trình khác hay không, từ đó sẽ có những kiến nghị về các giải pháp đồng bộ tiếp theo.

Hải Yến