PGS. TS DOÃN HỒNG NHUNG: CHÚ TRỌNG GIÁM SÁT NHỮNG VẤN ĐỀ SAU GIÁM SÁT

06/11/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc (từ 6 - 8/11) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với việc thực hiện lời hứa của 21 "Tư lệnh ngành" thuộc 4 lĩnh vực. Quan tâm tới hoạt động quan trọng này của Kỳ họp, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng đổi mới, chú trọng “giám sát những vấn đề sau giám sát” nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thực tiễn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/11: KHAI MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Khai mạc Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Đặc biệt, do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà theo nhóm lĩnh vực. 

Cụ thể: Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực. Để tạo thuận lợi và tiện theo dõi, hoạt động chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm các lĩnh vực gồm: nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường); nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.

Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp – Đại học Quốc gia Hà Nội

Phóng viên: Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6 từ ngày 6 -8/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn. Qua theo dõi, PGS. TS có đánh giá như thế nào về một trong những nội dung đặc biệt quan trọng tại kỳ họp lần này?

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp – Đại học Quốc gia Hà Nội: Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức giám sát quan trọng và trực tiếp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luôn thu hút sự quan tâm của cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội. Thông qua hoạt động chất vấn, những vấn đề bức xúc, tồn tại của đời sống kinh tế - xã hội được các đại biểu Quốc hội lựa chọn và chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước để làm rõ vấn đề, trách nhiệm quản lý nhà nước và có những giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn tổng thể chung. Theo đó, sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Do đó, phạm vi nội dung chất vấn lần này rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Thông qua hoạt động chất vấn, cử tri và Nhân dân có cơ hội nắm bắt được thông tin chính thức về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là việc thực hiện các cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tại các kỳ chất vấn trước đó.

Vì vậy, có thể khẳng định, việc “tái giám sát” lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng, còn vướng mắc chưa được giải quyết để tháo gỡ. Trên cơ sở kết quả chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn làm cơ sở để tiếp tục thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, về chất vấn; góp phần thiết thực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phóng viên: Nội dung chất vấn lần này, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vậy đâu là nội dung, PGS. TS đặc biệt quan tâm và chờ đợi trong phiên chất vấn lần này?

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp – Đại học Quốc gia Hà Nội: Công tác "giám sát lại" là vô cùng quan trọng nhằm đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội. Do đó, tại  kỳ chất vấn lần này, tôi đặc biệt quan tâm đến hai lĩnh vực là:Giáo dục, đào tạo và lĩnh vực tư pháp. Trong đó:

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Việc thực hiện Nghị quyết chất vấn của Quốc hội còn nhiều bất cập chưa được kịp thời khắc phục. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế; tình trạng thiếu trường, lớp, phòng học chức năng, công trình phụ trợ, đặc biệt là tại một số khu đô thị, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, vừa qua dư luận cũng phản cán còn nhiều bất cập trong thực hiện các quy định về học phí; bất cập trong việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa; Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thiếu giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; ..

Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp: Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tình trạng chậm ban hành một số văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết; Việc chậm khắc phục các nội dung mâu thuẫn, bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát;…

Tất cả những tồn tại nêu trên kỳ vọng sẽ được làm rõ tại Phiên chất vấn và trà lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV lần này. Từ đó, sẽ phân tích, làm rõ các giải pháp thiết thực nhằm tạo ra những chuyển biến thực chất trên thực tế.

Phóng viên: Nhiều năm theo dõi hoạt động của Quốc hội, PGS.TS có đánh giá như thế nào về những đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp – Đại học Quốc gia Hà Nội: Hoạt động chất vấn qua các nhiệm kỳ liên tục có những bước tiến đột phá. Đặc biệt, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với quyết tâm đổi mới, thích ứng linh hoạt, hoạt động chất vấn cũng có nhiều cải tiến cùng với việc đổi mới trong hoạt động chung của Quốc hội.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đạt được những kết quả quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ đó, đã có những tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện kịp thời các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội. Qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc thuộc lĩnh vực: giao thông vận tải, ngân hàng, y tế, giáo dục… đã có nhiều chuyển biến, mang lại hiệu quả trên thực tế.

Tại các phiên chất vấn ngày càng thẳng thắn, dân chủ, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm đang được đặt ra. Đặc biệt, việc tranh luận xuất hiện nhiều hơn, giúp nghị trường Quốc hội sôi nổi hơn,... Tác dụng tích cực của tranh luận đã được khẳng định. Riêng trong hoạt động chất vấn chỉ được tranh luận giữa đại biểu có chất vấn với chức danh bị chất vấn. Vì vậy, cũng nên quy định cụ thể quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội trong thảo luận, trong đó có quyền tranh luận trong hoạt động chất vấn.

Về cách thức, kỹ năng nêu câu hỏi của đại biểu Quốc hội cũng dần được nâng lên, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi chất vấn ngắn gọn, nội dung rõ ràng, đề cập đến những vấn đề mang tính vĩ mô, xác định đúng đối tượng chất vấn. Điều đáng chú ý là, một số đại biểu Quốc hội đã kiên trì theo đuổi các nội dung chất vấn của mình qua từng kỳ họp, tranh luận với người bị chất vấn để phát triển nội dung chất vấn, đi đến tận cùng của vấn đề, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đòi hỏi giải pháp thoả đáng để tháo gỡ vướng mắc, bất cập,…

Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chất vấn trong thời gian tới, việc coi trọng, đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát là vô cùng cần thiết. Đây là cơ sở để buộc chủ thể bị chất vấn phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những kiến nghị, yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh