CẦN XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA SỐ

07/11/2023

Trước sự lo ngại của đại biểu Quốc hội về vấn nạn của việc bạo hành, tấn công các cá nhân trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là cần xây dựng được môi trường văn hóa số.

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN THẮNG: CẦN KIÊN TRÌ XÂY DỰNG VĂN HOÁ GIAO THÔNG

Từ vụ việc Hoa hậu Ý Nhi và bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” bị chê bai, chỉ trích trên mạng xã hội, đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về sự nguy hiểm của những vụ tấn công trong thế giới ảo. Tại phiên chất vấn với các nhóm lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông chiều 7/11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Thông tin  vàTruyền thông, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng bạo hành, công kích.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh

Dẫn 2 ví dụ là việc Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng bị chê bai, công kích nặng nề trên mạng xã hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi: Lúc đó ai bảo vệ họ? Cách bảo vệ như thế nào? Hay phải chờ họ kiến nghị, khiếu nại và làm đơn? Việc bảo vệ các cá nhân trước sự xâm hại trên không gian mạng như thế nào?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong thời gian cuối năm 2023. Nghị định định này sẽ đặt ra vấn đề về quản lý mạng xã hội, trong đó có nội dung việc xâm hại đời tư, tấn công cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sau khi có thể chế, cần có thiết chế để hỗ trợ người dân. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh, thành để hỗ trợ người dân. Bộ sẽ cân nhắc  ban hành quy định việc thành lập trung tâm xử lý tin giả trên không gian mạng ở cấp tỉnh trong năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc thực thi pháp luật với hành vi xâm hại đời tư cá nhân trên mạng xã hội ngày càng nghiêm minh hơn, điển hình gần đây là vụ việc liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng đã bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề này là cần phải xây dựng được môi trường văn hóa số. Theo đó, đưa nội dung văn hóa số vào các trường học để giáo dục cho học sinh, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa ứng xử trên mạng.

“Không gian mạng là môi trường hoàn toàn mới. Chúng ta sống ở thế giới thực hàng nghìn năm còn có nhiều vấn đề, huống chi là không gian mạng được mới hơn 20 năm. Vì vậy, xây dựng văn hóa, ứng xử trong môi trường số cần được đưa vào chương trình đào tạo phổ thông, lồng ghép chương trình công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hình thành nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân để tự bảo vệ mình, cách ứng xử" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Tham gia làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Bộ đang bàn để xem xét xử lý. Theo đó, Bộ đã ban hành Quy tắc ứng xử đối với đội ngũ làm công tác nghệ thuật.

Riêng vấn đề liên quan bộ phim điện ảnh "Đất rừng Phương Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo quy định của Luật Điện ảnh (sửa đổi), Hội đồng thẩm định đã họp và xem xét cấp phép cho hoạt động. Bộ phim này theo đánh giá của Hội đồng là không vi phạm pháp luật về điện ảnh. “Còn việc dư luận cho rằng có biểu hiện này, biểu hiện khác, đó là các dư luận chưa thật chuẩn xác, cần xem xét, tính toán xử lý theo quy định hiện hành nếu có xúc phạm, bôi xấu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết./.

Thu Phương