GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU ÙN TẮC GIAO THÔNG TẠI KHU VỰC LÂN CẬN CÁC TRƯỜNG HỌC

08/11/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các trường học.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Toàn cảnh phiên họp Kỳ họp thứ 6

Theo nhà nghiên cứu Trần Mạnh Hùng, Trường Đại học Xây dựng, Thành phố Hà Nội đang chịu áp lực lớn của việc gia tăng số lượng phương tiện giao thông hàng năm từ 8 - 13% do mức độ đô thị hóa và dân số đô thị tăng nhanh. Hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế xã hội, môi trường, chất lượng cuộc sống và mỹ quan của cả nước. Số lượng học sinh trung bình mỗi trường vào khoảng 500 đến 700 học sinh, một số trường điểm có thể từ 1.000 đến 2.000 học sinh. Đa số học sinh tiểu học được các phụ huynh đưa đón đến trường bằng các phương tiện cá nhân khác nhau, phổ biến là xe máy.

Phụ huynh thường dừng đỗ xe trước cổng trường để đưa và đón con đến trường. Đặc biệt là cuối buổi chiều trên đường đi làm về, phụ huynh thường đến đợi trước cổng trường để đón con, cụ thể vào khoảng thời gian từ 16h30 đến 17h30, đây cũng là khoảng thời gian cao điểm của giao thông dẫn đến việc ùn tắc trầm trọng khu vực trước và xung quanh cổng trường. Hiện tượng ùn tắc tại cổng trường càng làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông toàn khu vực xung quanh trở nên trầm trọng và kéo dài, đặc biệt đối với các trường học có vị trí nằm sát cạnh các đường phố có mật độ qua lại.

Các chuyên gia cho rằng, tổ chức giao thông đường một chiều là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc khu vực lân cận trường học

Để giải quyết tình trạng ùn tắc này, lực lượng chức năng của chính quyền địa phương phối hợp với bảo vệ nhà trường tham gia điều hướng giao thông và duy trì trật tự. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế trước mắt và không xử lý triệt để vấn đề ùn tắc giao thông khu vực cổng trường.

Do vậy, cần nghiên cứu các nội dung sau: tổng hợp các nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực cổng trường; đánh giá thực trạng và nguyên nhân gây ùn tắc tại một số trường tiểu học khu vực nội thành Hà Nội; và đề xuất một số giải pháp tương ứng đối với từng trường hợp cụ thể.

Cũng quan tâm đến nội dung này, giảng viên Đinh Văn Hiệp, Trường Đại học Xây dựng phân tích nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực cổng trường. Theo đó, tắc nghẽn giao thông khu vực trường học chủ yếu là do các nguyên nhân sau: Trường học có vị trí sát với trục đường giao thông và kết nối giao thông trực tiếp do bất hợp lý của quy hoạch ban đầu hoặc do việc thay đổi làm phá vỡ quy hoạch ban đầu; Không xem xét tác động của trường học đến giao thông khi tổ chức mạng lưới đường xung quanh; Nhiều điểm tập trung giao thông mới được hình thành gần khu vực trường học, như là chung cư cao tầng, trung tâm thương mại và mua sắm; Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng sử dụng xe cá nhân và số lượng trẻ trong độ tuổi đi học; Không cung cấp đầy đủ giải pháp tổ chức giao thông và tín hiệu giao thông xung quanh khu vực trường học; Khu vực trước cổng trường chật hẹp và thiếu khu vực dừng đỗ xe tạm thời; Thiếu phần đường dành cho người đi xe đạp, đi bộ hoặc không gian này bị lấn chiếm bởi các hoạt động khác, như là bán hàng, đỗ xe; Thiếu hệ thống xe buýt trường học hoặc xe buýt công cộng phục vụ học sinh; Phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con cái nên lựa chọn việc đưa đón con đến trường thay vì để con tự đi;

Trên cơ sở phân tích, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp sau:

Về tổ chức giao thông đường một chiều, đặc điểm chung của các trường khu vực nội thành là nằm xen lẫn với khu dân cư, hàng quán nhỏ lẻ, cổng trường kết nối trực tiếp với trục giao thông, đường phố nhỏ hẹp được tổ chức hai chiều, và lưu lượng qua lại tập trung. Do vậy, giải pháp tổ chức giao thông đường một chiều sẽ giảm thiểu được xung đột giữa phương tiện đi qua và các phương tiện dừng đỗ để đón học sinh. Bên cạnh đó, cần có việc tổ chức cho việc dừng đỗ xe hợp lý kết hợp với việc tổ chức phân làn xe đi thẳng nhằm nâng cao khả năng thông hành và giảm thiểu ùn tắc khu vực cổng trường.

Về tổ chức dừng đỗ xe trước cổng trường, kết quả khảo sát cho thấy, lưu lượng phụ huynh dừng đỗ xe tập trung khu vực quanh cổng trường cả trên vỉa hè và lòng đường không theo trật tự. Như đã được đề cập phía trên, giải pháp tổ chức đường một chiều sẽ giảm sự tập trung lưu lượng và giảm xung đột giữa các chiều giao thông. Bên cạnh đó, cần thiết phải có biện pháp tổ chức dừng đỗ xe để đảm bảo trật tự và không gây cản trở đến dòng giao thông thông suốt đi qua cổng trường.

Về tổ chức khu vực dừng đỗ xe xa khu vực cổng trường, đối với những trường có diện tích sân trường nhỏ không thể tổ chức dừng đỗ xe bên trong sân được hay vỉa hè không đủ rộng để bố trí khu vực dừng đỗ xe thì cần xem xét giải pháp lựa chọn khu vực dừng đỗ xe xa khu vực cổng trường. Giải pháp này sẽ giúp phân tán lưu lượng phương tiện phụ huynh tập trung tại khu vực cổng trường, tuy nhiên cần phải sẵn có khu vực diện tích trống gần đó.

Về giải pháp cưỡng chế và tuyên truyền, cùng với các giải pháp tổ chức giao thông, luôn luôn cần đến sự kết hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý chuyên trách và chính quyền khu vực trong việc quản lý, giám sát và cưỡng chế xử phạt các trường hợp vi phạm luật giao thông và gây mất trật tự an toàn giao thông. Giải pháp này đang được triển khai phổ biến nhằm giải quyết tình thế trước mắt về tình thế trước mắt về tình trạng ùn tắc cục bộ tại cổng trường. Tuy nhiên, để đảm bảo mức độ hiệu quả của giải pháp thì cần có những hành động quyết liệt hơn trong việc nghiêm cấm các hoạt động bán hàng rong và lấn chiếm vỉa hè khu vực cổng trường, đặc biệt vào khung thời gian tan học. Bên cạnh đó, các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức đối với cả phụ huynh và học sinh trong việc tuân thủ luật giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Hồ Hương