KINH TẾ THẾ GIỚI CHỮNG LẠI GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM

08/11/2023

Bàn về vấn đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng cao gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế bày tỏ quan tâm đến vấn đề thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 6/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng nhận định, mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện trong những tháng đầu năm, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn yếu và lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,7%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. WB nhận định tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Cùng với việc nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hang không thiết yếu cũng sụt giảm, hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm 2023.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Trong thực tế tại Việt Nam, có một số ngành hàng chưa thay đổi kịp thời mẫu mã, hình thức, chất lượng và chưa theo kịp các thay đổi phù hợp thị hiếu và xu thế thị trường, nên đã bị một số đối tác giành mất đơn hàng. Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng cao sẽ làm nhu cầu đầu vào của sản xuất thu hẹp và khả năng chi tiêu của nền kinh tế các quốc gia trên thế giới giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Tình trạng suy giảm đơn hàng của ngành dệt may đã thể hiện rõ trên số liệu xuất khẩu sản phẩm dệt may 6 tháng đầu năm đạt giá trị 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Xét theo thị trường, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất, với mức giảm 271% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu vào EU giảm 6,2%; Canada giảm 10,9%, Hàn Quốc giảm 2%...

Đối với nhóm mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện, đến 15/6/2023, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,94 tỷ USD; trong khi đó, điện thoại và linh kiện chỉ đạt 21,93 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022, cả 2 nhóm hàng đều có kim ngạch sụt giảm hàng tỷ USD. Cụ thể, điện thoại và linh kiện giảm 5,11 tỷ USD, tương ứng giảm 18,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,74 tỷ USD, tương ứng giảm 7%...Đây là sự sụt giảm đáng quan ngại của những ngành hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm trước. Nhưng từ tháng 7/2023 xuất khẩu đã tăng lên, đặc biệt mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32% so với cùng kỳ, các đơn hàng rất nhiều, từ đó làm cho hoạt động xuất khẩu tăng lên đáng kể. Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, may mặc đã có lại các đơn hàng xuất khẩu, hay xuất khẩu nông sản cũng tăng mạnh, rõ ràng hoạt động xuất khẩu đang tốt lên.

Do FED tăng lãi suất điều hành lên mức 5% - 5,25%, cao nhất trong 22 năm làm USD lên giá so với các đồng tiền khác. Trong khi đồng Việt Nam giữ ổn định so với đồng USD, nghĩa là đồng Việt Nam cũng lên giá so với các đồng tiền khác. Khi đồng Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác, nếu nhập khẩu từ các quốc gia đó Việt Nam được lợi còn xuất khẩu vào sẽ phải chịu thiệt hại. Các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU, Nhật Bản, Trung Quốc đang phải gánh chịu những thiệt hại lớn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, điều này sẽ gây khó khăn cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu vào những thị trường này và các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chỉ gần 30% hợp đồng xuất khẩu được ký bằng các ngoại tệ khác như đồng JPY (Nhật Bản), CNY (Trung Quốc), KRW (Hàn Quốc), EUR hay GBP. Nhưng một lượng lớn các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam lại xuất phát từ Trung Quốc, Hàn Quốc,… Đồng thời, hơn 70% hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ký kết bằng USD nên nếu giữ ổn định được đồng Việt Nam so với  USD nghĩa là đã giữ ổn định được với hơn 70% các hợp đồng XNK. Việc giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD cũng có thể gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa.

Minh Hùng