DOANH NGHIỆP CẦN QUAN TÂM NẮM BẮT VÀ ĐÁP ỨNG CÁC NHU CẦU CỦA THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

09/11/2023

Tham gia ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, với thị trường 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân tăng lên nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng trung và cao cấp ngày càng cao, thì việc nắm bắt và đáp ứng các nhu cầu của thị trường nội địa là công việc đáng được các doanh nghiệp quan tâm.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế bày tỏ quan tâm đến vấn đề thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, về tổng cầu tiêu dùng trong nước, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các DN sản xuất, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với thị trường 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân tăng lên nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng trung và cao cấp ngày càng cao, thì việc nắm bắt và đáp ứng các nhu cầu của thị trường nội địa là công việc đáng được các DN quan tâm.

Trong điều kiện đơn hàng xuất khẩu giảm sút ở nhiều ngành hàng như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm điện tử… đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) có mức sụt giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 3/2023 so với tháng trước và so cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, các tháng còn lại chỉ số này đều tăng nhưng so cùng kỳ năm 2022 vẫn giảm 0,4%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì mức sụt giảm liên tục từ đầu năm so với cùng kỳ năm trước cho đến tháng 6/2023. Từ tháng 7,8/2023 mới bắt đầu có mức tăng trưởng dương so cùng kỳ năm trước.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự thiếu hụt các đơn hàng xuất khẩu làm cho nhập khẩu giảm sút, hàng tồn kho bình quân 6 tháng tăng đến 83,1%, sản xuất tăng trưởng chậm, công nhân thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh đã làm cho tổng cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm.

Nếu xem xét về số tuyệt đối và số tương đối so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các tháng đều tăng (có sụt giảm chỉ trong tháng 2/2023). Nếu xét về chỉ số mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so cùng kỳ năm trước, các tháng đều có sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm đáng kể, tháng 1/2023 mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20%; tháng 2 còn 13,2%, tháng 3 giảm còn 13,4%; tháng 4, tháng 5 giảm xuống 11,5%, đến tháng 6 giảm còn 6,5%.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc Quốc hội, Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãn hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các DN … của chính sách tài khóa, đang tạo điều kiện rất lớn giúp cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu. Với việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, thu nhập của một bộ phận người dân tăng lên, cũng kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế tăng trưởng.

Hơn nữa, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NHTM đã giảm nhiều, từ đó thúc đẩy sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, kể cả đi vay hay các hoạt động huy động vốn, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phục hồi nhanh hơn, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu tiêu dùng trong nước. Từ tháng 7/2023 chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có mức tăng 7,1% và tháng 8 đã có mức tăng 7,6%, chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này.

Đối với hoạt động dịch vụ, du lịch và đầu tư nước ngoài, trong năm 2023, hoạt động dịch vụ, du lịch  đã có bước hồi phục nhanh chóng, tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 395,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,3% và du lịch lữ hành tăng 53,6%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ, du lịch tăng cao do số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng trong mùa cao điểm. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần năm trước. Như vậy, chỉ sau 7 tháng, ngành du lịch Việt Nam đã đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế, nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm. Đặc biệt lượng khách nước ngoài sẽ tăng cao khi chính sách visa mới được áp dụng với khách nước ngoài.

Khách nội địa tháng 7/2023 ước đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng năm 2023 ước đạt 76,5 triệu lượt người; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.

 Đồng thời, trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài vẫn đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, dù dịch bệnh Covid-19 bừng phát và các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, nhưng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tương đối ổn định. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam vẫn tăng qua các năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Minh Hùng

Các bài viết khác