KẾT HỢP CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ, TÀI KHÓA ĐỂ HỖ TRỢ KHU VỰC SẢN XUẤT KINH DOANH

10/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Tham gia ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc Chính phủ thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãn hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước…hay việc VND từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định,tương đối so với USD và Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm 2%-3%, từ đó thúc đẩy việc sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phục hồi nhanh hơn, giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, vừa tăng khả năng cạnh tranh cho sản xuất, vừa kích cầu tiêu dùng.

Từ tháng 7/2023 xuất khẩu hàng hóa đã tăng lên, mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, may mặc đã có lại các đơn hàng xuất khẩu, hay xuất khẩu nông sản cũng tăng mạnh, đặc biệt mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32% so với cùng kỳ, các đơn hàng nhiều hơn, từ đó làm cho hoạt động xuất khẩu tăng lên đáng kể. Cùng với việc vốn đầu tư công được giải ngân tốt hơn, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ổn định, cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện rõ nét, hoạt động dịch vụ, du lịch có đà tăng trưởng mạnh mẽ, khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra có thể được hoàn thành.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, có thể đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 như sau:

Kịch bản 1: Các cân đối vĩ mô vẫn giữ ổn định, VND ổn định với USD, các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như: xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại, đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; chỉ số tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăng vượt mốc 85 USD/thùng, thì mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,3 - 6,7%, lạm phát nằm trong khoảng 3,3 - 3,5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,5% - 7% GDP.

Kịch bản 2: Nếu thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18 - 20% từ nay đến cuối năm, giải ngân đầu tư công tháng 8, 9 giải ngân nhanh, đạt 75 - 80% trong quý III, vòng lan tỏa của giải ngân đầu tư công tốt hơn; chỉ số tiêu dùng trong nước đạt mức như năm 2022 (khoảng 19,5%); đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; các vấn đề an sinh xã hội được giả quyêt tốt; giá dầu thô vẫn giữ ở mức 70 - 85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5 - 3,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 7,0% - 7,5% GDP.

Để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị VND, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân.

Trước những khó khăn rất lớn trong năm 2023, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài.

Các doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các Hiệp hội để tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, Trung ương, các Hiệp hội và địa phương cũng như các tổ chức tín dụng để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các DN cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hợp đồng, cam kết, liên kết thương mại mới, tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng, trên cơ sở đó sẽ giúp đa dạng hóa, mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng mới.

Minh Hùng

Các bài viết khác