TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TOÀN CẦU GIẢM TẠO ÁP LỰC LÊN KHU VỰC XUẤT KHẨU VÀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

10/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, đất nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro gia tăng bên ngoài và bên trong. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu lớn sẽ tạo áp lực lên khu vực xuất khẩu và việc làm cho người lao động.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Tham gia đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia bày tỏ quan tâm đến vấn đề điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính trước những thách thức mới.

 TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Theo TS.Trương Văn Phước, với tình hình kinh tế khó khăn và mức nợ của khu vực tư và công tăng cao thì sự chèn lấn của chính sách ổn định tài chính và chính sách tài khóa đối với chính sách tiền tệ sẽ ngày một lớn hơn.

Mặt bằng lãi suất thấp, nợ tư nhân và nợ công chưa phải ở mức quá cao sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 cho phép các ngân hàng trung ương không phải quá lo ngại về ảnh hưởng của nợ tới điều hành chính sách tiền tệ. Tình thế đã thay đổi đáng kể trong giai đoạn đại dịch Covid-19 xảy ra khi hầu hết các chính phủ đã thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình thông qua các công cụ trợ cấp, giảm thuế hay tăng chi tiêu vào y tế… Lãi suất thấp cũng tạo điều kiện để các chính phủ thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng và cơ cấu lại danh mục các trái phiếu với thời hạn dài hơn. Chính sách tài khóa mở rộng với quy mô lớn trong đại dịch Covid-19 để thúc đẩy tổng cầu là một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu.

Nợ công gia tăng buộc chính phủ các quốc gia phải phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhưng với mặt bằng lãi suất cao hơn trước rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng tận dụng điều kiện lãi suất thấp để phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Do trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp là một tài sản tài chính được nắm giữ bởi rất nhiều chủ thể kinh tế, trong đó có cả các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ không chỉ khiến giá trái phiếu giảm và rủi ro của hệ thống tài chính gia tăng mà còn khiến công tác điều hành chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn phải xem xét tới mối liên hệ giữa rủi ro của hệ thống tài chính và thị trường trái phiếu.

Ngay cả khi ngân hàng trung ương dự báo nguy cơ lạm phát gia tăng thì trong bối cảnh nền kinh tế đang mới chỉ phục hồi yếu ớt sau đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, việc thắt chặt chính sách tiền tệ là một quyết định không hề dễ dàng. Quyết định tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chưa tăng cao ở thời điểm đó trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp thường không phải là một quyết định có tính thuyết phục cao đối với các chủ thể trên thị trường tài chính. 

Với Nghị quyết của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ tháng 10 năm 2021, các hoạt động kinh tế của Việt Nam đã dẫn phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2021 và tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi thì những cú sốc từ bên ngoài như giá năng lượng và nguyên vật liệu cho sản xuất tăng cao, đồng USD và nhiều ngoại tệ tăng giá mạnh và sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu từ quý III 2022 đã khiến đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chững lại.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống tạo áp lực lên khu vực xuất khẩu và việc làm cho người lao động

Nhiều vấn đề kinh tế xã hội như thiếu hụt cung ứng năng lượng, thiết bị y tế cho tới sự biến động trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ cũng cùng lúc xuất hiện khiến cho tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,7% trong nửa đầu năm 2023. So với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 là 6,5 - 7% thì kết quả của gần ba năm đầu tiên cho thấy đây là một mục tiêu rất thách thức. Trong thời gian tới, đất nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro gia tăng bên ngoài và bên trong. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu lớn sẽ tạo áp lực lên khu vực xuất khẩu và việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, sự bất ổn của chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu kết hợp với các chính sách dịch chuyển đầu tư về nội địa sẽ khiến cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài không còn dồi dào như trước. Áp lực tỷ giá tuy đã giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước thay đổi. Bên cạnh đó là ảnh hưởng ngày một gia tăng về cả số lượng và mức độ của biến đổi khí hậu và thiên tai đối với đời sống xã hội và các hoạt động kinh tế của người dân và doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa và nước ngoài, khả năng hấp thụ vốn sụt giảm, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tại hệ thống ngân hàng gia tăng cùng với thị trường trái phiếu ảm đạm cho thấy thị trường tài chính cần nhiều thời gian và nguồn lực để phục hồi chức năng cung ứng vốn của mình.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với thị trường tài chính, nhiệm vụ đặt ra là cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường; bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống; áp dụng chuẩn mực quốc tế cho các hoạt động kế toán, kiểm toán và ngân hàng thương mại. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.

Hồ Hương

Các bài viết khác