HỆ THỐNG PHÁP LÝ RÕ RÀNG LÀ ĐIỀU KIỆN QUAN TRỌNG ĐỂ THÍCH NGHI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHỆ

21/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực I cho rằng, việc tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng về đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, thực hiện đổi mới sáng tạo

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực 1 cho rằng, đối với thực trạng thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam, về hệ thống quy tắc, luật pháp, trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, trong những năm gần đây Nhà nước Việt Nam đã thường xuyên ban hành các chiến lược, chương trình và kế hoạch tổng thể liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST). Nhà nước cũng liên tục cập nhật về các văn bản pháp lý liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng về đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi… là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, thực hiện đổi mới sáng tạo

Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Nghị quyết xác định 10 nguyên tắc chủ đạo, trong đó có 5 nguyên tắc liên quan đến đổi mới sáng tạo: 1- Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân; 2- Thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; 3- Ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm sự nhất quán dễ dự báo của chính sách; 4- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; 5- Có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18-5-2016, về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xác định những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các ngành, địa phương, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước về khoa học - công nghệ hằng năm để tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia, triển khai thực hiện đề án thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí để kết nối mạng lưới khởi nghiệp của Việt Nam với thế giới…

Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư: Điều 15, Luật Đầu tư quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư: Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển. Điều 20, Luật Đầu tư quy định đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt: Dự án đầu tư thành lập mới các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên…

Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã làm rõ, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các trung tâm đổi mới sáng tạo khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm; các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo…

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Nghị định 38 đã cụ thể hóa các quy định về đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo bằng nguồn vốn góp tư nhân thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời, Nghị định 38 quy định nguyên tắc chung trong hoạt động đầu tư giữa nhà đầu tư với các công ty khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Các hình thức đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo: Hình thức 1: Đầu tư bằng vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại khoản 2 điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định số 38/2018/NĐ-CP). Hình thức 2: Đầu tư bằng ngân sách nhà nước thông qua ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 4 điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được cụ thể hóa và tập trung, tăng cường theo quy định tại Nghị định 80. Nghị định 80 bao gồm 6 vấn đề với 05 nhóm hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị); quản lý thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, đặt ra một số mục tiêu: Đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2% - 1,5% GDP; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới; Nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người trên 10,000 dân.

Quyết định 569/QĐ-TTg cũng đặt mục tiêu có 25 – 30 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, đến năm 2025; Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hai lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp.

Minh Hùng