XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN: CÁC CHÍNH SÁCH ĐƯỢC LUẬT HÓA PHẢI ĐẢM BẢO KHẢ THI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN

01/04/2024

Theo Chương trình Phiên họp Chuyên đề pháp luật, dự án Luật Phòng không nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều nay (01/4). Quan tâm tới dự luật dưới góc độ nghiên cứu, nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết sớm ban hành Luật phòng không nhân dân đồng thời lưu ý dự thảo cần rà soát kỹ lưỡng để các chính sách được luật hóa đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Đề nghị xây dựng Luật phòng không nhân dân (Ảnh minh họa)

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân được lấy ý kiến gồm 08 chương với 55 điều, tập trung vào 05 chính sách gồm: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân. Việc xây dựng, ban hành Luật phòng không nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.

Bên cạnh đó, Luật Phòng không nhân dân góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước; kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tiếp cận dự luật, dưới góc độ nghiên cứu, nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình cao với sự cần thiết ban hành cũng như nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo luật. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số quy định tại dự thảo đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với thực tiễn.

Quy định đầy đủ các nội dung cơ bản để bao quát phạm vi điều chỉnh

Quan tới tới quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, có thể quy định khái quát hơn về phạm vi điều chỉnh, tương ứng với cách hiểu thuật ngữ phòng không nhân dân tại Điều 2.

Bên cạnh đó, hiện dự thảo chưa có quy định về đối tượng áp dụng, do đó, đề nghị cân nhắc bổ sung, tránh vướng mắc khi áp dụng một số hành vi bị cấm (do các chủ thể khác nhau thực hiện) như: Chế tạo, sửa chữa, thử nghiệm, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trái pháp luật; Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn hàng không, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản của cơ quan, tổ chức và Nhân dân (các khoản 6, 7 Điều 7).

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ 

Cũng quan tâm tới nội  dung này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, Điều 1 của dự thảo luật chưa quy định đầy đủ các nội dung cơ bản để bao quát phạm vi điều chỉnh của luật, quy định chưa lôgic. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách xây dựng, huy động lực lượng và bảo đảm an toàn hoạt động phòng không nhân dân; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong phòng không nhân dân; quản lý, khai thác, sử dụng tầu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân và trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về phòng không nhân dân.”. 

Quy định rõ nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản phục vụ phòng không nhân dân     

Liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và khai thác, sử dụng máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, các ý kiến nhận thấy cơ quan soạn thảo cũng đã bám sát thực tiễn, kết hợp xử lý hài hoà mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân, và khai thác, sử dụng tầu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; phù hợp với cơ chế vận hành của ki nh tế thị trường, định hướng XHCN. Bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện.

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng

Tuy nhiên, Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng lưu ý, cần có sự phân biệt cơ quan, tổ chức với tư cách là chủ thể quản lý và cơ quan, tổ chức với tư cách là chủ thể của các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất; tái nhập; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh; đăng ký, khai thác, sử dụng (13 hoạt động) tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.  

Đồng thời, đề nghị cần quy định rõ nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện các quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản của cấp có thẩm quyền phục vụ phòng không nhân dân theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (huy động, trưng mua, trưng dụng tài sản); bổ sung quy định nghĩa vụ của cá nhân thực hiện các quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản của cấp có thẩm quyền phục vụ phòng không nhân dân theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (huy động, trưng mua, trưng dụng tài sản);…

Cần bổ sung quy định về quan hệ phối hợp 

Về nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân được thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm (khoản 6, Điều 3), Đại tá, PGS TS Bùi Văn Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Học viện Cảnh sát nhân dân đề nghị cân nhắc lại quy định này. “Nếu tổ chức hoạt động phòng không nhân dân được thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm thì hiệu quả không cao, chí ít cũng phải có lực lượng chuyên trách làm nòng cốt…”,  PGS TS Bùi Văn Thịnh nhấn mạnh.

Đại tá, PGS.TS Bùi Văn Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Học viện Cảnh sát nhân dân

Ngoài ra, PGS.TS Bùi Văn Thịnh cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tại Điều 26. Hợp tác quốc tế về phòng không nhân dân cần bổ sung thêm nội dung quan hệ phối hợp về phòng không nhân dân. Lý giải cho đề xuất này,  PGS.TS Bùi Văn Thịnh cho biết, thời gian qua công tác phối hợp giữa lực lượng phòng không nhân dân với các lực lượng liên quan trong quản lý, phát hiện, xử lý các hoạt động bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, chưa phát huy hết vai trò của lực lượng phòng không nhân dân trong quản lý vùng trời, để mọi người dân đều có thể phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng nắm, quản lý các hoạt động bay trên địa bàn, trong khu vực và phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm về khai thác, sử dụng phương tiện bay không người lái. Đồng thời, cần tăng cường quan hệ phối hợp về phòng không nhân dân nhằm phát huy hiệu quả vai trò tham mưu của cơ quan quân sự và trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng của các cơ quan, tổ chức liên quan trong tổ chức, xây dựng, huy động cho hoạt động phòng không nhân dân.

Bên cạnh đó, các ý kiến chuyên gia cũng kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo: Quy định cụ thể về nguồn lực (ngân sách, kinh phí) mà Nhà nước ưu tiên dành cho phòng không nhân dân; rà soát, quy định rõ và thống nhất về cơ sở quyết định kéo dài độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân; về trách nhiệm của ban, bộ, ngành trung ương;… đảm bảo dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (5/2024) tới đây đảm bảo chất lượng tốt nhất và đạt được các yêu cầu cũng như mục tiêu đề ra./.

Lê Anh