PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: LẮNG NGHE TIẾNG NÓI TỪ CƠ SỞ
ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP.HẢI PHÒNG
Tham gia Đoàn công tác có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh; Ủy viên Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cùng các chuyên gia, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước khu vực VI, Văn phòng Quốc hội.
Về phía Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng; Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Văn Lập; Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Anh Quân; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan của thành phố, lãnh đạo các quận, huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát tổ chức 3 Đoàn công tác để đi giám sát thực tế tại 9 địa phương đại diện cho các vùng miền, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước. Làm việc tại Hải Phòng, Đoàn công tác đã chia thành các tổ để làm việc với đơn vị, cơ sở. Qua làm việc bước đầu, Đoàn công tác đã thu nhận được nhiều thông tin hữu ích, trao đổi thẳng thắn, cởi mở từ đó nhận diện được các kết quả đáng mừng cũng như các tồn tại hạn chế, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm rõ mục đích của cuộc làm việc là nhằm làm rõ thêm một số thông tin, nội dung đã được thể hiện trong các Báo cáo của Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là việc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII), về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Đoàn cũng mong muốn địa phương chia sẻ cách làm hay, bài học kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu mở đầu buổi làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả làm việc với các địa phương sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Đoàn có thêm thông tin, căn cứ thực tiễn để phục vụ làm việc với Chính phủ, các Bộ, cơ quan có liên quan về vấn đề này. Kỳ vọng sau giám sát có được Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đi vào cuộc sống.
Trình bày tóm tắt Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Anh Quân cho biết tính đến hết ngày 31/12/2023, Thành phố có 815 đơn vị, gồm: 638 đơn vị thuộc lĩnh giáo dục và đào tạo; 21 đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; 36 đơn vị lĩnh vực y tế; 03 đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ; 26 đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao; 03 đơn vị thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; 04 đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; 84 đơn vị thuộc lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân trình bày báo cáo tại buổi làm việc
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập năm 2023 so với năm 2015 giảm 193 đơn vị, đạt tỷ lệ 19,1% (193/1.008). Từ năm 2015 đến năm 2023 đã thực hiện giải thể 21 đơn vị hoạt động không hiệu quả. Về kết quả quản lý biên chế và tinh giản biên chế, giai đoạn 2015 - 2021, Thành phố đã giảm 4.445 người so với số người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015, đạt tỷ lệ 11,83% (vượt tỷ lệ 1,83% so với Nghị quyết). Tính đến hết ngày 31/12/2023, thành phố đã thực hiện việc chuyển tự chủ cho 561/815 đơn vị, trong đó có 11 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 58 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và 492 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Anh Quân nêu rõ việc sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại thành phố Hải Phòng đến nay đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra. Qua việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm đáng kể các đơn vị, từ đó khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.
Các thành viên trong Đoàn công tác
Đồng thời, trong quá trình thực hiện việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án về sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2021, giai đoạn 2022 - 2025. Với việc tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn toàn tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về bộ máy, tự chủ về nhân sự và tài chính, do đó giảm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tạo quyền chủ động trong việc quản lý, điều hành của thủ trưởng đơn vị; đồng thời nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan trong việc điều hành thực hiện nhiệm vụ cũng như tăng cường sự giám sát của cán bộ, công nhân viên trong sử dụng biên chế, kinh phí hoạt động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, do số đơn vị sự nghiệp của thành phố chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (700 đơn vị vào năm 2015), đây là những đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ sự nghiệp thiết yếu, cần được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoạt động, nên quá trình thực hiện việc sắp xếp và chuyển đổi cơ chế tài chính gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục bậc trung học cơ sở, bậc tiểu học, bậc mầm non.
Mặt khác, một số Bộ, ngành trung ương chưa ban hành hoặc chậm ban hành các khung pháp lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo chỉ đạo Chính phủ. Chưa có hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện sắp xếp thống nhất trên toàn quốc đối với một số ngành, lĩnh vực như: sắp xếp các trạm, trại thuộc ngành nông nghiệp, các đoàn nghệ thuật trực thuộc ngành văn hóa - thể thao...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc
Cùng với đó, hiện nay Trung ương đang chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ngay các trường tại thời điểm hiện nay sẽ có một số khó khăn, vướng mắc, không đồng bộ với sắp xếp đơn vị hành chính.
Từ thực tiễn triển khai trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, quy định cụ thể việc giao vốn, giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, để các đơn vị thực hiện quản lý theo mô hình doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu
Các Bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; sớm ban hành hoặc hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng và ban hành định mức - kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công; ban hành và hướng dẫn tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc áp dụng mô hình quản trị đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp….
Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố và kết quả thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW được triển khai thực hiện quyết liệt, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra cả về số lượng và tiến độ. Trong đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được Thành phố thực hiện bài bản, nghiêm túc, đồng bộ và thống nhất từ cấp uỷ Đảng tới Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố với nhiều chương trình hành động, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu
Các thành viên Đoàn công tác cũng đánh giá cao kết quả thực hiện của thành phố đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, cho thấy nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành của thành phố trong thực hiện Nghị quyết của Trung ương, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Các thành viên cũng đề nghị thành phố tiếp tục hoàn thiện báo cáo trong đó, đề nghị đánh giá sâu hơn chỉ ra rõ hơn bộ ngành nào, văn bản nào chậm ban hành hướng dẫn, trách nhiệm của địa phương; đánh giá thêm những vấn đề về tự chủ, ngân sách nhà nước bảo đảm cho các lĩnh vực đặc thù như giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ…Đề nghị nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp đối với những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số nhiệm vụ trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều tồn tại hạn chế cần nghiên cứu theo hướng có cơ chế đáp ứng đặc thù địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc
Qua giám sát tại các địa phương cũng cho thấy có nhiều bất cập trong sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, dẫn dến hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng nghệ thuật giảm, hoạt động các đoàn nghệ thuật gặp nhiều khó khăn. Do đó, các đại biểu đề nghị thành phố có báo cáo đầy đặn hơn, phân tích rõ hơn và có kiến nghị về vấn đề này để bảo đảm sắp xếp khoa học, khách quan, cân đối lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực khác, tránh sáp nhập cơ học. Đề nghị thành phố quan tâm đến những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới, nhấn mạnh yêu cầu giảm biên chế nhưng việc bảo đảm không ngừng chất lượng dịch vụ công vẫn là điều quan trọng.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị của thành phố trong việc tổ chức, phục vụ giám sát; ghi nhận các ý kiến phát biểu trách nhiệm, sâu sắc, cụ thể; lãnh đạo các sở ngành của thành phố nắm chắc tình hình, kiến nghị tâm huyết. Báo cáo của thành phố và các đơn vị được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát. Qua đó, giúp Đoàn giám sát nắm bắt được nhiều thông tin và tình hình thực tế tại địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành buổi làm việc
Đoàn giám sát đánh giá cao việc triển khai nghiêm túc và kết quả đạt được của thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và các văn bản pháp luật liên quan trong giai đoạn 2018 – 2023.
Ghi nhận các kết quả và tồn tại, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, đồng thời quan tâm cùng với sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập cần đẩy mạnh xã hội hóa ở những nơi có thể xã hội hóa, tổ chức đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung cấp dịch vụ công; nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật để đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Toàn cảnh buổi làm việc
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, cơ quan hữu quan trên địa bàn thành phố
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh
Ủy viên Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa - thành viên Đoàn công tác phát biểu
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo làm rõ một số vấn đề Đoàn công tác quan tâm
Lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng phát biểu.