PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC: 25/4/1976 - NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI CỦA NƯỚC VIỆT NAM THỐNG NHẤT CÓ TẦM VÓC VÀ Ý NGHĨA LỚN LAO

25/04/2024

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, đã tạo ra khí thế, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; phản ánh ý chí, nguyện vọng, độc lập, thống nhất của cả dân tộc Việt Nam sau 30 năm chiến tranh gian khổ; đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính liên tục của Nhà nước cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo; đồng thời mở ra thời kỳ mới của sự phát triển đất nước và dân tộc Việt Nam.

45 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI CỦA NƯỚC VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Vì vậy, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. 

Ngày 03/01/1976, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW, trong đó đã xác định rõ những nguyên tắc của cuộc bầu cử. Chỉ thị nêu rõ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 

Ngày 26/4/1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 13, tiểu khu Phan Đình Phùng, Khu phố Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 25/4/1976, trong không khí ngày hội lớn của đất nước, trên 23 triệu cử tri trên cả nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Kết quả, tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam là 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 đại biểu Quốc hội gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, đại biểu các dân tộc thiểu số và các tôn giáo.

Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (06/01/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/04/1976 là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, đã tạo ra khí thế, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; phản ánh ý chí, nguyện vọng, độc lập, thống nhất của cả dân tộc Việt Nam sau 30 năm chiến tranh; đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính liên tục của Nhà nước cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo; đồng thời mở ra thời kỳ mới của sự phát triển đất nước và dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, cách đây 48 năm, ngày 25/4/1976 là ngày Tổng tuyển cử của nước Việt Nam thống nhất, xin ông cho biết về ý nghĩa, tầm vóc của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, đã tạo ra khí thế, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sau khi đất nước thống nhất.

Có thể nói cuộc Tổng tuyền cử năm 1976 mang ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc. Trong đó, ý nghĩa thứ nhất của cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 đó là tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/04/1976 giống như cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/01/1946, vì đều là bầu cử của một đất nước thống nhất, trên phạm vi cả nước (khác so với cuộc Tổng tuyển cử ở miền Bắc vào các năm 1960, năm 1964, năm 1971, năm 1975).

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Ý nghĩa thứ hai là cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 cũng phản ánh ý chí, nguyện vọng, độc lập, thống nhất của cả dân tộc Việt Nam sau 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi chỉ chưa đầy một năm sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Đồng thời, cũng phản ánh giác ngộ chính trị, bản lĩnh chính trị, ý chí của dân tộc Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam, đồng bào rất hăng hái đi bầu cử, lựa chọn đại biểu xứng đáng đại diện cho mình vào Quốc hội của một nước Việt Nam thống nhất.

Ý nghĩa thứ ba, khi tiến hành bầu cử, ta khẳng định đây là cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI, đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính liên tục của Nhà nước cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cụ thể: Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 (khóa I), năm  1960 (khóa II), năm 1964 (khóa III), năm 1971 (khóa IV), năm 1975 (khóa V).

Ý nghĩa thứ tư, khi nói đến cuộc tổng tuyển cử năm 1976 mở ra thời kỳ mới của sự phát triển đất nước và dân tộc Việt Nam, đó là thời kỳ cả nước có một Nhà nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước cùng đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và phấn đấu cho mục tiêu vừa độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về ngày Tổng tuyển cử năm 1976 với vai trò là người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử Đảng, về Nhà nước?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Khi cuộc bầu cử ngày 25/04/1976 diễn ra, khi đó tôi là giảng viên giảng dạy về lịch sử Đảng và về Nhà nước, tôi nhận thấy rõ hơn đây là bước tiến trong nhận thức lý luận và thực tiễn, đặc biệt là Nhà nước cách mạng Việt Nam do Đảng, Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo. Bản thân tôi càng thấy tự hào về Nhà nước đã trải qua 30 năm chiến tranh, sự tồn tại hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc.

Cử tri khu phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm (Hà Nội) xem danh sách ứng cử viên trước khi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI (Ảnh: TTXVN)

Qua đây, cũng giúp tôi sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn của Nhà nước, hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Quốc hội, mối quan hệ giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từ đó đưa những kiến thức này vào giảng dạy về nhà nước cách mạng chuyên chính vô sản do Đảng lãnh đạo.

Phóng viên: Còn với tư cách là cử tri tham gia bầu cử ngày 25/04/1976, ông có suy nghĩ và cảm xúc như thế nào trong ngày trọng đại này của dân tộc?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Tôi vinh dự được tham gia bầu cử bầu Quốc hội từ khóa III (năm 1964). Nhưng ấn tượng nhất vẫn là cuộc bầu cử bầu Quốc hội của đất nước thống nhất năm 1976, với tâm trạng chung của người dân cũng như bản thân tôi rất phấn khởi, tự hào. Sau 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cực kỳ gian khổ, có thể thấy được ý nghĩa của cuộc bầu cử bầu cơ quan đại biểu cao nhất của Nhà nước được tổ chức sau khi đất nước thống nhất. Tâm trạng của tôi cũng như cử tri khi đi bầu cử là phấn khởi, xúc động, tin tưởng vào triển vọng tươi đẹp của đất nước trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, khi đi bầu cử, tôi cũng nhận thức rõ trách nhiệm công dân, và hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của cuộc bầu cử là bầu ra những đại biểu của chính mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước, thay mặt cho quốc dân định đoạt những vấn đề lớn của đất nước. Vì vậy, với tư cách là công dân của nước Việt Nam thống nhất, tôi thấy hết trách nhiệm của mình, lựa chọn những người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng bầu vào Quốc hội.

Khi kết quả bầu cử được công bố, Quốc hội họp phiên đầu tiên vào tháng 7/1976 đã đổi tên nước từ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi đó tôi cũng như cử tri và Nhân dân cả nước rất phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển tốt đẹp của đất nước trong thời kỳ mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương