NHỮNG CHÍNH SÁCH VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẦN CÓ CƠ SỞ THỰC TIỄN, BẢO ĐẢM SỰ ĐỒNG BỘ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐẦU TƯ
SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHẢI CÓ TÍNH KHẢ THI KHI ĐƯỢC ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG
Nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Tại cuộc họp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về phương án sửa đổi Luật KH&CN mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự án Luật có 17 Chương, 133 Điều. Trong đó, nội dung về Quỹ phát triển KH&CN cần được thu thập thêm ý kiến, đề xuất và nghiên cứu kỹ lưỡng để hoạt động đầu tư, phát triển KHCN ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, tránh việc trùng lặp nhiệm vụ chi từ ngân sách Nhà nước, trong Tờ trình Đề nghị xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia theo hướng: Kinh phí của Quỹ được sử dụng để tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; nhiệm vụ KH&CN cấp thiết, đột xuất, khẩn cấp; hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Đồng thời, bỏ chức năng cho vay, bảo lãnh vốn vay do trùng với chức năng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định trình tự, thủ tục tài trợ, hỗ trợ của Quỹ.
Bộ đề xuất quy định hai phương án với Quỹ Phát triển KH&CN Bộ, ngành, địa phương. Phương án 1: Bỏ quy định về quỹ do thời gian qua rất ít Bộ, ngành, địa phương thành lập quỹ. Đối với những quỹ đã thành lập thì tiếp tục xin dừng hoạt động do gặp khó khăn về biên chế, nhân sự có chuyên môn quản lý và nguồn kinh phí bố trí cho quỹ rất hạn chế dẫn đến quỹ hoạt động không hiệu quả.
Phương án 2: sửa đổi quy định theo hướng mở để các Bộ, ngành, địa phương tùy tình hình thực tiễn có thể thành lập hoặc không thành lập quỹ phát triển KH&CN. Bổ sung quy định khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (không phân biệt loại hình doanh nghiệp). Khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.
Về quy định về sử dụng kinh phí theo quy định của nhà tài trợ, để thúc đẩy hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, quỹ đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước hoặc tài trợ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động KH&CN, đề xuất bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân nhận đầu tư, tài trợ từ nguồn ngoài ngân sách được chi tiêu theo định mức của nhà đầu tư, nhà tài trợ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.
Liên quan đến Quỹ phát triển KH&CN, đầu tư tài chính cho KH&CN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu quan điểm: Hiện nay, chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu về việc quản lý khi lập Quỹ phát triển KH&CN nhưng không thể chi tiêu được. Đối với các Quỹ phát triển KH&CN ở địa phương, cần có đánh giá tác động, giải pháp để quỹ có thể hoạt động được và nếu hoạt động được thì phải hiệu quả.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cũng cho rằng, việc đổi mới cơ chế Quỹ phát triển KH&CN cũng cần được nghiên cứu, xem xét phương án phù hợp nhất. Liệu mô hình của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có sự trùng lắp với Quỹ được đề ra trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không thì cũng nên được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, cần có sự rành mạch giữa Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp với quỹ của các địa phương, Bộ ngành, tổ chức Trung ương. Theo đó, Quỹ của đối tượng, cơ quan nào phải có sự phân biệt về chức năng nhiệm vụ, nguồn kinh phí...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.
Để thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, có thể tiếp tục duy trì Quỹ phát triển KH&CN nhưng cần xem xét tính đặc thù cho từng đối tượng một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Với những ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Dự án Luật KH&CN (sửa đổi) là đạo luật hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ. Hồ sơ chuẩn bị và báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Mặc dù chủ trương đường lối về KH&CN được đánh giá đầy đủ nhưng trong thực tiễn vẫn còn có những hạn chế, ràng buộc. Đó là việc nhìn nhận của một số bộ phận, đối tượng đối với KH&CN còn hạn chế. Những chủ thể có trách nhiệm trong việc phân bổ nguồn lực về tài chính, nhân lực vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, việc cần khơi thông nguồn lực để thúc đẩy phát triển KH&CN cũng như đổi mới sáng tạo KH&CN là những nhiệm vụ cần nghiên cứu xem xét trong việc sửa đổi Luật KH&CN.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban trong việc hoàn thiện dự án Luật./.