Nghiên cứu tiêu chí công khai, tính đủ và dần xóa bỏ cơ chế bù chéo về giá điện

02/11/2024

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 07/11 tới. Đóng góp vào dự án Luật này, nhiều ĐBQH đề nghị cần nghiên cứu tiêu chí tính giá điện đảm bảo công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ để dần có thể xóa bỏ được theo cơ chế bù chéo về giá.

Cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng khi sửa đổi Luật Điện lực

Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 04 lần vào các năm 2012; năm 2018; năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024). Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nghư các Nghị quyết, hệ thống pháp luật khác.

Các ĐBQH thảo luận ở Tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Một trong những nội dung đáng chú ý, dành sự quan tâm của các ĐBQH là chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực được quy định tại Điều 5. Theo đó, trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi) quy định, thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện.

Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện trong khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực. Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Cần có lộ trình và giải pháp về giá điện

Để phát triển đáp ứng được yêu cầu điện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong phiên thảo luận tại Tổ 5, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Trong Tờ trình của Chính phủ trình và trong chương trình kỳ họp thì Luật Điện lực (sửa đổi) được đề nghị là thông qua tại một kỳ họp là kỳ họp thứ 8 này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa các chính sách đưa ra trong dự án Luật này. Đặc biệt là có những nội dung mà chúng ta vẫn còn bất cập, vướng từ năm từ Luật 2024 nhưng mà cũng vẫn chưa sửa đổi lần này. Ví dụ như về giá điện và các dịch vụ về điện từ Điều 86 đến Điều 88, nhiều nội dung này từ năm 2024 đã được thực hiện nhưng chưa hiệu quả và bây giờ thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh mong muốn cơ quan soạn thảo cần đưa những nguyên tắc, tiêu chí xác định cụ thể để tính được giá điện đảm bảo công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ đầu vào và đầu ra. Đặc biệt nữa là quan tâm đến nhóm điện bán lẻ để làm sao cũng phải công khai, minh bạch. Ví dụ như Nghị quyết 55 có ghi ở mục 3.3 là xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, quỹ và chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Đối với các tỉnh miền núi có đông đồng bào vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có chính sách trong việc hỗ trợ điện cho những nhóm đối tượng này. Nhóm khách hàng chủ yếu sử dụng điện bán lẻ. Số điện mà người dân sử dụng không nhiều, gần như là ít. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng dân tộc thiểu số lại rất cao như kéo điện từ, cột điện, dây điện nên tiêu hao điện rất lớn. Nếu thực hiện theo Nghị quyết 55 thì có lẽ các tỉnh miền núi cũng còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và có lộ trình để quan tâm đến những nhóm đối tượng vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo. Nếu thực hiện theo Nghị quyết 55 về tiến tới dần có thể xóa bỏ được theo cơ chế bù chéo thì lộ trình và giải pháp về giá điện tiếp theo sẽ như thế nào nên cơ quan soạn thảo cũng cần xác định rõ ở trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành và doanh nghiệp

Hiện nay, tại khoản 8 của dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đề cập về chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện, sử dụng khí có quy định là ưu tiên phát triển nhiệt điện khi sử dụng nguồn khí trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện, khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện.

 Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Đóng góp về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị bổ sung vào khoản 8 cụm từ: “đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển nhiệt điện khí”. Lý do là bởi hiện nay, việc ưu tiên phát triển nhiệt điện khí mà sử dụng nguồn khí ở trong nước phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng một nguồn nhiên liệu cùng trong dự án điện khí thì các đơn vị khai thác, bán nhiên liệu hiệu quả sẽ có doanh thu, lợi nhuận cao nhưng cũng dẫn đến đơn vị cuối của chuỗi giá trị, tức là bên sử dụng, tiêu thụ và mua điện lại phải mua với giá cao, không có hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, nếu giá mua điện đầu vào cao cũng sẽ được tính vào giá điện và khách hàng sử dụng điện sẽ phải gánh chịu các chi phí này. Do đó, việc đảm bảo hài hòa quyền lợi, lợi ích giữa các ngành, doanh nghiệp là rất cần thiết.

Liên quan đến việc điều tiết thị trường điện khi giá điện tăng cao, tại khoản 3, Điều 61 khoản 3 của dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đề cập việc Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh quy định các nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với các quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5 của luật này và tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ. Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị bổ sung quy định cụ thể cho phép dừng thị trường điện khi giá thị trường điện lên quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện trong trường hợp chi phí thị trường chưa được chuyển ngang toàn bộ vào giá bán lẻ điện. Lý do là bởi vì giá thị trường điện có thể ngày càng có xu hướng tăng cao bởi các yếu tố đầu vào như là nhiên liệu, khi đó thì sẽ có trường hợp là giá thị trường lên quá cao và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện. Do đó, cần có cơ chế xem xét dừng thị trường điện trong trường hợp này và luật hóa trong quy định của Luật Điện lực (sửa đổi).

Chỉ những vùng khó khăn được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật đầu tư

Liên quan đến phát triển điện ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 24, đại biểu Trần Văn  Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, chỉ nên đưa ra những dự án phát triển điện ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật đầu tư.

Đại biểu Trần Văn  Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên trong mua bán điện không trái với quy định của pháp luật, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị bổ sung một điểm vào sau điểm b của  khoản 2 Điều 82 về việc đầu tư thiết bị đo đếm điện và các thiết bị phụ trợ, trừ trường hợp có quy định thỏa thuận khác với đơn vị bán điện, đơn vị mua điện, đơn vị phân phối điện hoặc khách hàng sử dụng điện.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 07/11 tới. Với những ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, các ĐBQH kỳ vọng khi Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng và chú trọng đến chính sách cho những vùng miền khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo./.

Bích Lan

Các bài viết khác