PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC HĐND CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ LẦN THỨ VI

25/08/2019

Ngày 24/8, tại Quảng Bình, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ VI. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thời gian qua, hầu hết các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ đã tổ chức từ 1 tới 3 kỳ họp bất thường trong một năm. Thực tế cho thấy, việc tổ chức kỳ họp bất thường đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, trong tổ chức kỳ họp bất thường còn một số hạn chế như công tác chuẩn bị, việc xác định nội dung, chất lượng các báo cáo tại kỳ họp.

Các kỳ họp bất thường sẽ quyết định những vấn đề phát sinh có tính chất quan trọng, cấp bách của địa phương, nhất là những vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh giá đất; đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm; hạ tầng kinh tế - xã hội; phân bổ ngân sách; kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự... Các đại biểu cho rằng, nếu không tổ chức kỳ họp bất thường sẽ làm công tác chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dâ tỉnh gặp nhiều khó khăn, bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư đồng thời gây bức xúc kéo dài trong xã hội trước những sự việc phát sinh.

Toàn cảnh hội nghị

Bà Nguyễn Thị Nữ y - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định việc tổ chức kỳ họp bất thường là rất cần thiết, giảm tải được cho các cuộc họp bình thường. Cũng chính vì giảm tải được điều đó nên công tác chuẩn bị kĩ hơn. Các dự thảo, tờ trình của Uỷ ban nhân dân được chuẩn bị kỹ hơn. Các ban hội đồng có thời nghiên cứu thẩm tra kĩ hơn... đặc biệt các đại biểu Hội đồng nhân dân nghiên cứu kĩ hơn

Ông Cái Vĩnh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết: Nâng cao chất lượng kỳ họp là điều những người hoạt động chuyên trách hết sức trăn trở. Bời vì đây là vấn đề sống còn, vị thế của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương. Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức 3 kỳ họp bất thường... như vậy cho thấy những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là rất nhiều, nếu không giải quyết kịp thời sẽ ách tắc công việc điều hành của Uỷ ban nhân dân và sự phát triển kinh tế của phương...

Các đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội một số nội dung như: Thay đổi tên gọi kỳ họp bất thường bằng tên gọi khác; Nghiên cứu xem xét ban hành quy định rõ ràng, đầy đủ hơn làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất về kỳ họp bất thường; Đề nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh như hiện nay với 2 Phó chủ tịch HĐND và mỗi Ban có hai đại biểu chuyên trách; Xem xét chỉ nên sát nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại hội nghị

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Thường trược HĐND tỉnh Quảng Trị, thì không nên bớt bộ máy chuyên trách của Hội đồng nhân dân, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cho rõ... nếu không tăng cường được kỳ họp hội đồng nhân dân phải có cơ chế hoạt động Hội đồng nhân dân phải có quy phạm.

Bà Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ quan điểm:“Nhân đây, chúng tôi thiết tha đề nghị Quốc hội bỏ chữ “bất thường”. Vì trong tư duy của dân chúng và trong tư tưởng chỉ đạo là bất thường là bất bình thường. Tại kỳ bất thường gần nhất của tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi ban hành 6 nghị quyết trong đó có 2 nghị quyết về nhân sự. Miễn nhiệm và bầu cử chức danh của hội đồng, còn 4 nghị quyết về kinh tế xã hội... Hội đồng nhân dân có thời gian rà soát kỹ hơn, chất lượng chương trình họp tốt hơn”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao chủ đề được đưa ra cũng như những ý kiến thảo luận. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp bất thường cần đảm bảo kịp thời, chủ động trong khâu chuẩn bị, xây dựng chương trình kỳ họp; kết hợp chặt chẽ giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất thời gian, nội dung kỳ họp và thường xuyên rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp; có kế hoạch về công tác tuyên truyền trước, trong và sau mỗi kỳ họp bất thường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Qua theo dõi từ đầu năm 2019 đến nay, các kỳ họp Hội đồng nhân dân bất thường đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo đúng thời gian từ việc thống nhất nội dung, chuẩn bị tờ trình, dự thảo nghị quyết, thẩm tra, triệu tập kỳ họp... thông báo chương trình kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 629/2019/NQ- UBTVQH14 về “Hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân”. Thông qua việc tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân bất thường đã kịp thời giải quyết các vấn đề quan trọng, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Tôi nhận thấy, để nâng cao chất lượng hiệu quả kỳ họp bất thường Hội đồng nhân dân thì cần chủ động trong khâu nội dung, xây dựng chương trình kỳ họp khoa học. Sự phối hợp chặc chẻ của Thường trực hội đồng nhân dân và các ban hội đồng nhân dânUỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tổ chức có liên quan, sự linh hoạt trong tổ chức điều hành kỳ họp, phân bổ thờ gian hợp lý và nội dung, kịp thời chỉnh lý hoàn thiện các nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân thông qua”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng tiếp thu và chỉ đạo cơ quan tham mưu, phối hợp với các đơn vị hữu quan nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bàn giao công tác đăng cai tổ chức Hội  nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị./.

Võ Linh - Võ Quốc