HỌP BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND, THƯỜNG TRỰC HĐND, CÁC BAN CỦA HĐND, TỔ ĐẠI BIỂU HĐND & ĐẠI BIỂU HĐND

07/10/2021

Chiều ngày 07/10, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội nghị họp Ban soạn dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh chủ trì hội nghị.

 

Toàn cảnh hội nghị

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND), Thường trực HĐND, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có bố cục gồm 8 Chương, 52 Điều, quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của  HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; hoạt động chất vấn của HĐND và chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giám sát của đại biểu HĐND; xem xét việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát; các điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến đều thống nhất với bố cục và các nội dung quy định trong dự thảo Nghị quyết; cho rằng Ban soạn thảo Nghị quyết đã nghiên cứu, chỉnh sửa rất bài bản, công phu. Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và thống nhất. Nghị quyết ra đời cũng sẽ góp phần hướng dẫn cụ thể các quy trình thực hiện chức năng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đồng thời, hạn chế việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản cá biệt để trả lời từng địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, tính toán thiết kế phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết sao cho hợp lý, đảm bảo không được chồng chéo, trùng lặp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Các đại biểu tại hội nghị

Về nguyên tắc tổ chức hoạt động, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thực hiện hoạt động giám sát bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tham gia vào quá trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có trách nhiệm hợp tác để hoạt động giám sát được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả, đồng thời có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, giải quyết, cung cấp tài liệu và trả lời các yêu cầu của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND trong từng hoạt động giám sát cụ thể.

Bàn về nội dung này, một số ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung thêm nguyên tắc chủ động, kịp thời trong hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; không thụ động, không chờ đợi, mà phải chủ đông thường xuyên để tăng tính phòng ngừa và giáo dục.

Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận cũng cho rằng việc xây dựng Nghị quyết cần được quán triệt bảo đảm phù hợp, thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND.

Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh tại hội nghị

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng cần quy định cụ thể về hướng dẫn trình tự, thủ tục hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; Luật hóa những văn bản hướng dẫn trả lời HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND trong thời gian vừa qua.

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh cho rằng, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, chưa được như kỳ vọng, mục đích mà chúng ta đã đặt ra. Để tìm ra những nút thắt giải quyết những hạn chế này, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh cho rằng, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Kết quả hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp để lọc ra toàn bộ những hạn chế, yếu kém và tập trung phân tích kỹ lưỡng về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này và đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Nhấn mạnh, sản phẩm cuối cùng của hoạt động giám sát là những kiến nghị sau giám sát, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm trong những kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, có bao nhiêu kiến nghị đã được thực hiện, bao nhiêu kiến nghị chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, khi xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết cần thường xuyên rà soát các văn bản luật có liên quan để đảm bảo không vượt, không trái, không chồng chéo, trên tinh thần những gì đã được quy định trong Luật thì không quy định vào Nghị quyết; Nghị quyết chỉ hướng dẫn rõ hơn những gì Luật chưa quy định rõ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo rà soát, tiếp thu tất các các ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị hôm nay để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sao cho rõ ràng, khúc triết, đảm bảo tính khả thi cao trong thực tiễn. /.

Thu Phương - Minh Hùng