GÓP Ý ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG SỰ CHỈ ĐẠO, GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

18/07/2022

Ngày 18/7, tại Đà Nẵng, Ban Công tác đại biểu tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; Tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh,  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội thảo. Đại diện Thường trực HĐND 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tham dự hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Việc bảo đảm và tăng cường sự gắn kết giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND các cấp là một nhu cầu thiết yếu, khách quan, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thông qua Đề án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định được những phương hướng, giải pháp về mặt thể chế và nguồn lực nhằm giúp cho việc chủ động, kịp thời từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động chung của hệ thống cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương.

 Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND Tp.Đà Nẵng cho rằng cần có giải pháp về xây dựng, ban hành và triển khai các kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đối với các địa phương nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và thời gian giám sát. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đồng thời kiến nghị hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động giám sát của HĐND đối với các đối tượng giám sát, nhất là đối với UBND quận, phường khi thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND cấp quận, phường).

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đề nghị mở rộng danh sách chất vấn và giải trình trước HĐND, đặc biệt là các ngành dọc như Bảo hiểm xã hội, Thuế, Ngân hàng…chứ không gò bò trong danh sách Ủy viên Ủy ban nhân dân như hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum

Nhiều tham luận đề cập đến tỉ lệ Trưởng ban chuyên trách của HĐND, theo đó nhấn mạnh vai trò của các Trưởng ban chuyên trách và bất cập đối với các Trưởng ban kiêm nhiệm (thường là 1 đồng chí Ủy viên Ban thường vụ). Bên cạnh đó các đại biểu cũng cho rằng cần tăng tỉ lệ cấp ủy trong Thường trực HĐND nhằm nâng cao vai trò của cơ quan dân cử cao nhất tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án cho biết, lãnh đạo Quốc hội nhận định rằng: Thực tế hiện nay, hoạt động của HĐND còn bị động, hoạt động theo kiểu “Bắc nước sôi chờ gạo người” như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, theo đó hầu hết Nghị quyết của HĐND xuất phát từ tờ trình của UBND, chưa dựa trên những đề xuất thông qua hoạt động giám sát, nghiên cứu tổng kết của HĐND nhiệm kỳ trước hay giám sát việc thực hiện các nghị quyết để xây dựng các nghị quyết tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho địa phương phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thanh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án phát biểu tại hội thảo

Phó Ban chỉ đạo Đề án cũng cho biết, Quốc hội đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch tài chính 3 năm nhằm khắc phục tư duy nhiệm kỳ mà nhiều địa phương đã và đang gặp phải, không có sự liên thông tổng thể, thiếu dài hạn trong việc ban hành các  Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định, hiện nay chúng ta đang thực hiện chuyên đề xây dựng chiến lược Nhà nước pháp quyền XHCN, nhấn mạnh xu hướng trong thời gian tới là phải coi trọng vấn đề dân chủ trực tiếp và quyền làm chủ của nhân dân trong đó gắn với hoạt động của Quốc hội và HĐND để thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân một cách thống nhất và xuyên suốt./.

Thành Nam