ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẮC NINH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15

06/03/2024

Ngày 06/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM TẠI TỈNH BẮC NINH

Tham dự có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; đại diện Thường trực các Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Kinh tế, Xã hội; Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ…

Về phía tỉnh Bắc Ninh có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng... 

Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc

Thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ qua đó góp phần quan trọng phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế giá trị gia tăng nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, có tác động tích cực, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động nên được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao. Trên địa bàn tỉnh đã triển khai 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Tính đến ngày 31.12.2023, vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình giải ngân 48% tổng lượng vốn; đến 31.1.2024 giải ngân đạt tỷ lệ 57%.

Quang cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội và UBND tỉnh Bắc Ninh

Triển khai các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp xã và các Tổ chức Hội nhận ủy thác tổ chức rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn đến từng đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, tham mưu bố trí nguồn vốn triển khai chính sách trên địa bàn.

Đến nay, tổng nguồn vốn bố trí cho 4 chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã được giải ngân đạt 100% kế hoạch, thực hiện được nhiều mục tiêu đặt ra với nhóm chính sách này. Trong đó, một chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã giải ngân cho vay với 1 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, với số tiền giải ngân đạt 46,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng không áp dụng chung cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thuế suất 10% mà loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nên trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng; thời điểm lập hóa đơn; mô tả hàng hóa…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị tỉnh Bắc Ninh báo cáo hiệu quả thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15

Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh đánh giá cụ thể hơn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, nhất là về thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tiến độ giải ngân vốn…, qua đó, chứng minh rõ hơn hiệu quả thực sự của các chính sách đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; báo cáo bổ sung về thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực và trục lợi chính sách, công tác ứng vốn thuộc trách nhiệm của địa phương trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang giải trình các nội dung được thành viên Đoàn giám sát đưa ra

Giải trình các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đưa ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội ban hành kịp thời đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đặt ra; thể hiện một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước; có tác động tích cực đến quá trình phục hồi kinh tế, thực hiện phòng chống dịch Covid – 19 trên địa bàn tỉnh.

“UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở ngành, huyện, thành phố triển khai thực hiện các chính sách trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, qua đó, góp vai trò quan trọng để phục hồi, phát triển nhanh, thực hiện phòng chống dịch Covid – 19, bảo đảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Một số chính sách đã được tỉnh Bắc Ninh thực hiện tốt, trong đó, chính sách giảm 2% thuế VAT bảo đảm đúng đối tượng có đủ điều kiện, có trọng tâm, trọng điểm”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận UBND tỉnh Bắc Ninh đã nghiêm túc, có trách nhiệm trong xây dựng báo cáo với dung lượng lớn, công phu, có các số liệu, hệ thống phụ lục, biểu, bảng cụ thể, cung cấp nhiều thông tin, nêu rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị tỉnh rà soát, hoàn thiện báo cáo, bổ sung những nội dung chưa nêu theo đề cương, hoặc đã nêu mà chưa đầy đủ thông tin như ý kiến các đại biểu đã nêu; lược bớt những nội dung không thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát.

Đối với thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, tỉnh Bắc Ninh cần bổ sung đánh giá nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng công trình, đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn cung về vật liệu (đặc biệt nguồn cát), bảo đảm tiến độ thi công của một số dự án. Đồng thời, làm rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan của tình trạng lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần chậm so với tiến độ yêu cầu của Chính phủ, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm đối với nội dung này.

Trên cơ sở cuộc làm việc này, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Báo cáo và gửi lại Đoàn giám sát trước ngày 15.3.2024 để Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4.2024 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác