Tại Công văn số 429/BCTĐB-CTĐ ngày 13/7/2016 của Ban Công tác đại biểu về việc trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII như sau:
1. Cử tri các tỉnh: Nam Định, Đà Nẵng, An Giang, Long An, Lâm Đồng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bến Tre, Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Quốc hội cần có lộ trình tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách và kiến nghị UBTVQH sớm ban hành các văn bản để triển khai thi hành Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), trong đó quy định về việc thành lập, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.
Trả lời:
+ Về kiến nghị “Quốc hội cần có lộ trình tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách”: đây là nội dung đã được Ban Công tác đại biểu trả lời nhiều lần và cụ thể trong các công văn kiến nghị tại kỳ họp thứ 8, thứ 9, thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách tăng lên: khóa XI: 25%, khóa XII: 29,41%, đầu khóa XIII: 30,08% và đến nay là 31% (trên tổng số ĐBQH). Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám quy định: Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% (ba mươi lăm phần trăm) tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, số lượng ĐBQH chuyên trách đã có lộ trình tăng hợp lý.
+ Về việc sửa đổi Nghị quyết Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội
Thực hiện Kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản bảo đảm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, Ban Công tác đại biểu được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng “Nghị quyết về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội” và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên hợp thứ 43. Ngày 22/12/2015, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.
2. Cử tri các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Quảng Bình kiến nghị:
+“Cử tri đề nghị Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc cơ cấu, giới thiệu người ra ứng cử hoặc tự ứng cử, quy trình hiệp thương, tránh để xảy ra tình trạng có đại biểu dân cử chưa đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân; có giải pháp nâng cao khả năng, hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử, hạn chế việc một số đại biểu dân cử hoạt động kiêm nhiệm vừa có vai trò giám sát thi hành pháp luật, vừa là đối tượng bị giám sát nên chưa làm tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyên vọng của nhân dân”;
+ “Cử tri đề nghị về danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020, cần giảm dần danh sách những người ứng cử là những người đang giữ các chức vụ lãnh đạo của các Bộ ngành ở Trung ương và lãnh đạo các Sở ngành ở địa phương”;
+ “Cử tri kiến nghị việc phân bổ đại biểu Quốc hội Trung ương về địa phương ứng cử cần công bằng giữa các tỉnh; các thành viên Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ trưởng nên luân phiên ứng cử đều các tỉnh”.
Trả lời:
Công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Nhìn chung, cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ từ bước dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng; việc hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu được những người ứng cử đáp ứng đủ tiêu chuẩn; tổ chức tiếp xúc cử tri; đến việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Việc giám sát cơ cấu, giới thiệu người ra ứng cử hoặc tự ứng cử, quy trình hiệp thương đã được Đảng đoàn Quốc hội chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quán triệt các cơ quan hữu quan, tổ chức và địa phương thực hiện tốt phương hướng tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo đúng quy định của pháp luật.
Việc phân bổ đại biểu Quốc hội ở Trung ương về địa phương ứng cử về cơ bản được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc phân bổ theo Nghị quyết số 60/NQ-HĐBCQG ngày 8/3/2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia và nguyện vọng đăng ký địa bàn ứng cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV
3. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Nghiên cứu, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội trong cả nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Trả lời:
Kiến nghị trên đã được thực hiện theo Kế hoạch số 87/KH-UBTVQH13 ngày 18/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc Tổng kết Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011 – 2016, theo đó, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban xây dựng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, trong đó có phần đánh giá chung về chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Bên cạnh đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có báo cáo đánh giá kết quả hoạt động cụ thể của Đoàn và đại biểu Quốc hội.
4. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri đồng tình việc bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá thực chất năng lực cán bộ, nhưng việc đưa ra 3 mức rất khó xác định, đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cần rút kinh nghiệm việc bỏ phiếu tín nhiệm, nên xác định hai mức đó là Tín nhiệm và Không tín nhiệm, đồng thời có những cơ chế giao quyền và chịu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan khi để cấp dưới sai phạm.
Trả lời:
Việc đánh giá năng lực cán bộ được xem xét ở 2 hình thức đó là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, tại khoản 7, Điều 8 quy định: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Và tại khoản 7, Điều 13 quy định: Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.
5. Cử tri thành phố Cần Thơ, Thái Nguyên kiến nghị: Cần có giải pháp để khắc phục có hiệu quả tình trạng một số vị ĐBQH thường xuyên vắng mặt tại các phiên họp của Quốc hội; không tham gia phát biểu ý kiến tại diễn đàn của Quốc hội; không dự các cuộc họp của Đoàn ĐBQH; không làm tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân.”.
Trả lời:
Ban Công tác đại biểu nhận thấy, ý kiến của cử tri thể hiện sự quan tâm sâu sát đến hoạt động của Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng. Nhìn chung, qua theo dõi, Ban Công tác đại biểu nhận thấy các ĐBQH đã nghiêm túc, tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi tham gia các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, do đại biểu kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác, vừa là đại biểu Quốc hội vừa là lãnh đạo tại các cơ quan Trung ương hoặc địa phương nên không tránh khỏi có lúc lịch công tác tại cơ quan, địa phương trùng với lịch họp Quốc hội. Ban Công tác đại biểu sẽ chuyển kiến nghị này của cử tri đến các Đoàn ĐBQH để thông tin các đại biểu Quốc hội biết và thực hiện nghiêm túc hơn. Về giải pháp nâng cao khả năng, hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử đang được Ban tiếp tục nghiên cứu.