33. Ngân hàng chính sách xã hội

24/05/2017 15:35

Tại công văn số 5710/NHCS-TDNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng chính sách xã hội về trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XIV.

1. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ mà Chính phủ đầu tư cho người nghèo ở ĐBSCL là rất phù hợp với yêu cầu về đời sống của người dân. Tuy nhiên, vì các hộ mua nền và vay xây dựng nhà trả chậm đều là hộ nghèo, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn nên không có tích lũy để trả tiền nền và tiền nhà theo thời gian quy định được. Kiến nghị có chủ trương khoanh nợ cho người nghèo nhận nền ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

Trả lời:

Hiện nay, NHCSXH cho vay đối với hộ dân với hai hình thức là vay vốn để mua trả chậm nhà ở và vay vốn để tự xây dựng nhà ở. Thời hạn cho vay của chương trình là 10 năm kể từ thời điểm hộ dân nhận nợ món vay đầu tiên, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm đầu. Trong thời gian ân hạn 5 năm đầu, hộ dân chưa phải trả gốc và lãi phát sinh trong thời gian đó. Trường hợp hộ vay không trả được nợ do nguyên nhân khách quan gây ra như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm thiệt hại về vốn và tài sản của hộ dân thì được xem xét xử lý nợ bị rủi ro theo quy định của Nhà nước và văn bản hướng dẫn của NHCSXH.

Trường hợp khách hàng vay vốn bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa, chết, mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng thì được xem xét khoanh nợ, xóa nợ. 

Về việc cử tri đề nghị có chủ trương khoanh nợ cho người nghèo mua trả chậm nhà ở hoặc tự xây dựng nhà ở trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ, NHCSXH xin tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội sớm triển khai cho hộ nghèo được tiếp cận vốn vay cất nhà theo Quyết định số 33/QĐ-TTg.

Trả lời:

Ngày 10/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Thực hiện Quyết định trên, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản số 310/NHCS-TDNN ngày 01/02/2016 về Hướng dẫn thực hiện cho vay vốn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); văn bản có hiệu lực từ ngày 16/02/2016. Theo đó, NHCSXH cho vay Hộ gia đình nghèo có tên trong Danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Tính đến 30/11/2016, NHCSXH đã giải ngân cho hơn 10 nghìn hộ gia đình vay vốn với số tiền đạt 253,8 tỷ đồng. Riêng tại tỉnh An Giang, NHCSXH tỉnh đã cho vay 172 hộ gia đình với số tiền là 4,3 tỷ đồng.

3. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam xem xét giải quyết cho gia hạn các trường hợp Học sinh sinh viên thuộc đối tượng hộ nghèo vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nay ra trường nhưng chưa có việc làm để có thu nhập để trả lại vốn vay theo quy định.

Trả lời:

Sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), đã giúp cho gần 3,3 triệu lượt HSSV được vay vốn, giảm một phần gánh nặng về tài chính cho các hộ gia đình chính sách khi cho con đi học. Đến nay còn trên 862 ngàn hộ gia đình đang vay vốn cho trên 966 ngàn HSSV đi học, với dư nợ đạt trên 19 ngàn tỷ đồng. Đây là chương trình thực sự có tính nhân văn sâu sắc, tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Theo quy định hiện nay người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khoá học. Thời hạn cho vay tối đa được xác định theo công thức sau:

Thời hạn cho vay tối đa = thời hạn phát tiền vay + 12 tháng + thời hạn trả nợ.

Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

Ngoài ra, đến kỳ trả nợ cuối cùng, người vay gặp khó khăn chưa trả được nợ thì đề nghị NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ. Tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng có thể gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay, nhưng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

Như vậy, nếu HSSV học đại học 4 năm thì thời hạn cho vay tối đa là 9 năm, nếu gặp khó khăn được gia hạn nợ tối đa thêm 2 năm nữa thì tổng cộng cho vay là 11 năm. Trong khi đó nguồn trả nợ được trích từ thu nhập của hộ vay và thu nhập của sinh viên khi đi làm.

Hiện nay nếu học sinh, sinh viên vay vốn mà bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa, chết, mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng thì được xem xét xóa nợ.   

Việc xác định thời hạn cho vay như hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên kiến nghị của cử tri đề nghị gia hạn nợ cho những HSSV chưa tìm được việc làm hoặc có việc nhưng không đúng ngành nghề nên thu nhập thấp không đủ trang trải cho cuộc sống và trả nợ Ngân hàng theo thỏa thuận, vấn đề này NHCSXH xin tiếp thu, nghiên cứu và trình Chính phủ xem xét, quyết định.

 4. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Theo Quyết định số 34/QĐ-HĐQT, ngày 26/4/2014 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thì hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tối đa 50 triệu đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh; so với yêu cầu thực tế mức vay vốn này còn thấp. Cử tri đề nghị nâng mức vốn vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng.

Trả lời:

Hàng năm, NHCSXH luôn tích cực kiến nghị, đề xuất với NHNN và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cân đối nguồn vốn để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ nghèo, cận nghèo. Xét theo tình hình thực tế, ngày 26/4/2014 Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH đã ký Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kể từ ngày 01/5/2014, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đã được nâng từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ vay. Về đề nghị nâng mức vốn vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng, NHCSXH xin tiếp thu và trình Hội đồng quản trị NHCSXH trong thời gian thích hợp.

5. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Đề nghị nâng mức hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân, hiện nay quy định mức cho vay tối đa là 50 triệu thì không đủ để người dân mở rộng hay chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi.

Trả lời:

Hàng năm, NHCSXH luôn tích cực kiến nghị, đề xuất với NHNN và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cân đối nguồn vốn để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ nghèo, cận nghèo. Xét theo tình hình thực tế, ngày 26/4/2014 Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH đã ký Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kể từ ngày 01/5/2014, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đã được nâng từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ vay. Về đề nghị nâng mức vốn vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng, NHCSXH xin tiếp thu và trình Hội đồng quản trị NHCSXH trong thời gian thích hợp.

6.  Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Cử tri phản ánh, mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi hộ để tạo quỹ đất sản xuất bình quân 30 triệu đồng/hộ. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ là không phù hợp với thực tế. Đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho phù hợp hơn.

Trả lời:

Hiện nay, NHCSXH đã triển khai cho vay theo quy định tại Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vay vốn từ NHCSXH cho mỗi hộ để tạo quỹ đất sản xuất bình quân 30 triệu đồng/hộ, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020. Theo đó, hộ gia đình vay vốn với mục đích tạo quỹ đất sản xuất làm dịch vụ hoặc làm nghề khác để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững sẽ được vay vốn với mức vay không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ (hiện nay, mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ).

7. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Rất nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương không đủ đáp ứng, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương quan tâm phân bổ thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk để phục vụ nhu cầu của người dân.

Trả lời:

Hàng năm, NHCSXH luôn tích cực kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trình cân đối nguồn vốn để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của các đối tượng thụ hưởng. Kiến nghị của cử tri về tăng thêm nguồn vốn, NHCSXH xin tiếp thu, trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

8. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Cử tri kiến nghị có cơ chế ưu đãi về thủ tục vay vốn cho các hộ gia đình sinh sống ở vùng miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo để phát triển sản xuất.

Trả lời:

Hiện nay, ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, NHCSXH tiếp tục triển khai một số chương trình tín dụng chính sách dành cho các đối tượng chính sách khác sinh sống ở vùng miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng khó khăn đã tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, cải thiện đời sống gia đình, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Thủ tục vay vốn tại NHCSXH rất đơn giản, dễ thực hiện và được áp dụng chung cho tất cả các chương trình tín dụng. Thủ tục vay vốn như hiện nay là phù hợp và đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

9. Cử tri các tỉnh Bình Phước, Tuyên Quang kiến nghị: Cử tri kiến nghị, theo quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-HĐQT ngày 18/4/2014 và Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày 26/4/2014 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thì mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh là 50 triệu đồng/năm/hộ. Mức cho vay này thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản để phục vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đề nghị Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu tăng mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh lên 80-100 triệu đồng/năm/hộ để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

Trả lời:

Hàng năm, NHCSXH luôn tích cực kiến nghị, đề xuất với NHNN và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cân đối nguồn vốn để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ nghèo, cận nghèo. Xét theo tình hình thực tế, ngày 26/4/2014 Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH đã ký Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kể từ ngày 01/5/2014, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đã được nâng từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ vay. Về đề nghị nâng mức vốn vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng, NHCSXH xin tiếp thu và trình Hội đồng quản trị NHCSXH trong thời gian thích hợp.

 

 

 

Ban Dân nguyện

 
  • Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
  • Kỳ họp thứ 5
  • Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh
  • Kỳ họp bất thường lần thứ tư
  • Kỳ họp bất thường lần thứ hai
  • Kỳ họp thứ 4
  • Kỳ họp thứ 3
  • Kỳ họp bất thường lần thứ nhất
  • Kỳ họp thứ 2
  • Kỳ họp thứ 1
  • Quốc hội Khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X