Chương trình kỳ họp Quốc hội được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo chuẩn bị ngay sau khi kỳ họp trước kết thúc. Các nội dung được đưa vào chương trình kỳ họp được xác định trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội và các quy định khác của pháp luật. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan hữu quan và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình một số nội dung cần thiết.
Trong những năm qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã luôn quan tâm chỉ đạo nghiên cứu cải tiến, đổi mới việc tổ chức kỳ họp nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nội dung trình Quốc hội, qua đó nâng cao hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Tại khoản 3, Điều 5 của Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội có ghi: Bố trí thời gian thảo luận tại Hội trường phù hợp với nội dung và phạm vi của từng dự án, để án, báo cáo; tăng cường đối thoại, tranh luận về các vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thực tế cho thấy tại các kỳ họp gần đây của Quốc hội khóa XIII, thời gian tiến hành đã được rút ngắn (tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất là 14 ngày, kỳ họp thứ 2 là 29 ngày, kỳ họp thứ 3 là 30 ngày; kỳ họp thứ 4 là 30 ngày, kỳ họp thứ 5 là 27 ngày, trong khi mỗi kỳ họp của Quốc hội các khóa trước thường diễn ra trong hơn 1 tháng, thậm chí có kỳ họp lên tới 45 ngày). Các dự án, đề án, báo cáo được trình Quốc hội xem xét, thông qua đều được chuẩn bị kỹ, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Thời gian thảo luận đối với từng dự án, đề án, báo cáo được bố trí phù họp trên cơ sở tính chất, nội dung của từng dự án và sự cân đối với tổng thời gian của cả kỳ họp. Thời gian giữa phiên thảo luận và phiên biểu quyết thông qua luật được bố trí hợp lý (trung bình từ 5 đến 7 ngày), đảm bảo đủ thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi biểu quyết luật. Hơn nữa, tất cả các dự án, đề án, báo cáo đều được gửi đến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trước kỳ họp theo thời hạn quy định để tổ chức nghiên cừu ở địa phương. Công tác chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp đã có nhiều tiến bộ, chất lượng được nâng lên.
Trong các kỳ họp tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Chương trình kỳ họp ngày càng hợp lý và khoa học hơn.