1. Về chương trình giáo dục hiện nay
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều đợt đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Theo kết quả các đợt đánh giá, về cơ bản chương trình và sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã bám sát mục tiêu giáo dục từng cấp học theo qui định của Luật Giáo dục. Tuy nhiên, một số nội dung ở chương trình, sách giáo khoa một số môn học còn có sự chưa cân đối giữa lí thuyết và thực hành.
Trên cơ sở rà soát chương trình, sách giáo khoa, ngày 01/9/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5842/BGDĐT-VP về việc Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giảm các nội dung để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình. Việc điều chỉnh nội dung dạy học nhằm giảm những nội dung trùng lặp trong chương trình, sách giáo khoa của nhiều môn học khác nhau, trùng lặp ở chương trình, sách giáo khoa của lớp dưới và lớp trên, nội dung yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, sắp xếp chưa hợp lý, nội dung mang đặc điểm địa phương không phù hợp với tất cả các vùng miền khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh ở trường phổ thông.
2. Về chương trình nâng cao
- Nội dung kiến thức của chương trình này được nâng cao theo qui định chung về khối lượng và mức độ so với chương trình chuẩn, đảm bảo cân đối với thời lượng dạy và học theo chương trình nâng cao, phù hợp với trình độ tiếp thu của những học sinh có năng lực và nhu cầu được tìm hiểu sâu hơn về các môn khoa học tự nhiên hoặc các môn khoa học xã hội và nhân văn.
- Lựa chọn các kiến thức cơ bản, cập nhật, thiết thực, có hệ thống, theo hướng tinh giản, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, thể hiện tính liên môn và tích hợp các nội dung giáo dục.
- Tăng cường thực hành và vận dụng, thực hiện dạy học gắn với thực tiễn.
- Tạo điều kiện đẩy mạnh vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo. Rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, phát triển năng lực trí tuệ chung.